Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 10-5 có bài viết kể về chuyện tình cổ tích của anh Nguyễn Hoài Thanh (31 tuổi, thường trú xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh), một người khuyết tật phải ngồi xe lăn bán vé số mưu sinh. Năm 2011, thấy anh Thanh hiền lành tốt bụng, một người con gái 19 tuổi xinh đẹp đất Cần Thơ đã bất chấp cha mẹ cấm cản, theo anh về làm dâu Trà Vinh.
Gian nan làm giấy khai sinh
Từ đó sóng gió chưa lúc nào yên với họ. Cha mẹ vợ không chấp nhận anh, giấu hết giấy tờ tùy thân của chị nên hai người chưa thể đăng ký kết hôn. Đứa con trai bốn tuổi của anh chị đến nay cũng chưa được làm giấy khai sinh. Anh chị rất lo vì con cần được đi học.
Vợ chồng anh Thanh kể lúc bé hai tuổi, bà nội bé đến làm giấy khai sinh thì bà Trần Thị Cẩm Hồng (cán bộ tư pháp hộ tịch xã Hòa Minh, Châu Thành) không tiếp nhận hồ sơ với lý do vợ chồng anh Thanh không có giấy chứng nhận kết hôn. Anh Thanh đến xã yêu cầu làm khai sinh cho con chỉ ghi tên cha, không cần ghi tên mẹ, bà Hồng cũng không nhận hồ sơ, nói anh Thanh không có gì để chứng minh mình là cha đứa bé. Anh Thanh đề xuất đi xét nghiệm ADN để chứng minh quan hệ cha con, bà Hồng lắc đầu bảo vợ anh phải về Cần Thơ xin tạm vắng rồi sang đây làm tạm trú thì mới làm khai sinh được.
Sáng 17-5, PV Pháp Luật TP.HCM đã cùng vợ chồng anh Thanh đến UBND xã Hòa Minh để làm giấy khai sinh cho bé. Vợ anh Thanh nộp giấy chứng sinh, CMND của anh chị, sổ hộ khẩu của anh Thanh... Trực tiếp chứng kiến, bà Hồng lạnh lùng từ chối nhận hồ sơ khai sinh, bảo không có giấy chứng nhận kết hôn và sổ tạm trú của vợ anh Thanh.
Chúng tôi gặp lãnh đạo xã làm việc. Ông Nguyễn Văn Sĩ (Chủ tịch UBND xã Hòa Minh) nói không biết về tình cảnh của vợ chồng anh Thanh và yêu cầu bà Hồng cùng tìm giải pháp. Tại đây, bà Hồng vẫn khẳng định mình làm đúng, nói vợ chồng anh Thanh không có giấy chứng nhận kết hôn, vợ anh Thanh không tạm trú ở đây thì không thể làm giấy khai sinh...
Chúng tôi trao đổi lại, theo Luật Hộ tịch, bất cứ đứa trẻ nào sinh ra cũng có quyền được khai sinh, kể cả khi cha mẹ trẻ không đăng ký kết hôn. Cán bộ tư pháp hộ tịch đòi giấy chứng nhận kết hôn và sổ tạm trú của người mẹ là không cần thiết vì đây không phải là các loại giấy tờ bắt buộc để làm giấy khai sinh. Đây là một trường hợp đặc biệt, cha của bé là người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Thanh (ảnh trái)phải ngồi chờ cả ngày ở xã mới được cán bộ tư pháp hộ tịch xã(ảnh phải) cấp giấy khai sinh cho con. Ảnh: T.VÂN
Lãnh đạo xã nhiệt tình, cán bộ tư pháp vô cảm
Nghe vậy, ông Sĩ yêu cầu bà Hồng giải quyết ngay nhưng bà Hồng không chấp hành mà đề nghị có thời gian xin ý kiến của cấp trên.
Do vợ chồng anh Thanh đang thuê nhà cách trụ sở xã hơn 50 km, anh thường xuyên bị đau nhức, mỗi lần đi lại xã đảo này là khó khăn trăm bề nên chúng tôi đề nghị tiếp nhận hồ sơ khai sinh luôn cho bé. Chủ tịch xã đồng ý, yêu cầu công an xã làm gấp sổ tạm trú cho vợ anh Thanh để kịp bổ túc hồ sơ khai sinh theo yêu cầu của bà Hồng. Cán bộ công an xã tiếp nhận hồ sơ và làm ngay sổ tạm trú. Chủ tịch xã cũng yêu cầu một cán bộ khác ghi nhận tình trạng của anh Thanh để xem xét giải quyết chế độ trợ cấp cho người khuyết tật.
Dùng dằng gần hết sáng, vợ anh Thanh cũng được điền vào tờ mẫu khai sinh cho con. Vợ anh Thanh viết giấy cam đoan xác định con chung, ký xong cầm giấy chạy ra trước bậc tam cấp (cách đó chừng 3 m) cho anh Thanh đang ngồi chờ ký rồi hớn hở cầm vào. Bà Hồng đanh mặt: “Ổng có đọc không mà ký, lẽ ra phải ký trước mặt tôi chứ, cái này có phải ổng ký không?”. Một cán bộ xã ngồi gần đó lên tiếng: “Anh Thanh ký đó, tôi có nhìn thấy anh ký”.
Chưa hài lòng, bà Hồng lặp lại điệp khúc trên đến lần thứ ba. Chúng tôi buộc phải lên tiếng: “Anh Thanh ngồi ngay phía trước, giờ nếu chị cần tôi sẽ nhờ người khiêng anh vào”. Vẫn nhăn nhó, bà Hồng bảo vợ chồng anh Thanh đi về, đầu giờ chiều quay lại nhận giấy khai sinh, bà còn bận làm hồ sơ khác.
Trong khi đó, chủ tịch xã vẫn ngồi chờ để ký tên vào giấy khai sinh của con anh Thanh. Chúng tôi than thở: “Lãnh đạo xã vẫn ngồi chờ được, chị làm thêm chút xíu có là bao”. Chủ tịch xã cũng hối: “Coi kịp không làm cho xong buổi sáng luôn đi con, chú chờ! Hồ sơ kia của cháu này ở gần đây, chiều cháu đến được mà phải không. Ưu tiên cho anh Thanh nghe cháu”. Người thanh niên kia gật đầu nhất trí lia lịa. Tuy nhiên, bà Hồng trả lời tỉnh bơ: “Làm việc tới 11 giờ thôi chớ!”. Đến nước này, chủ tịch xã đành phải nói vợ chồng anh Thanh buổi chiều quay lại.
Tiếp tục làm khó dân
Buổi trưa, chúng tôi cùng vợ chồng anh Thanh ngồi vật vạ ở gần trụ sở xã để chờ. Giữa cái nắng nóng của xã đảo, anh Thanh cười tươi rói với vợ: “Trời ơi, mừng quá, mình đang nghèo thế này chứ, giờ ông trời cho trúng số độc đắc cũng không mừng bằng làm được giấy khai sinh cho con em ha!”.
Đầu giờ chiều, chúng tôi quay lại. Bà Hồng bảo: “Tôi xin ý kiến chú Hà ở Sở Tư pháp tỉnh rồi, chú nói trường hợp này phải làm thủ tục nhận cha cho con trước, sau đó chờ tôi đi xác minh xem anh chị có phải là cha mẹ thật của đứa bé hay không thì mới giải quyết tiếp”. Sau đó, bà Hồng viết giấy hẹn hai ngày sau sẽ trả kết quả.
Chúng tôi liên lạc ngay với ông Nguyễn Thanh Hà (Trưởng phòng Tư pháp hộ tịch, Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh) qua điện thoại. Ông Hà xác nhận có nhận được điện thoại của bà Hồng. Tuy nhiên, ông hướng dẫn cho bà Hồng rất rõ là nên tư vấn cho vợ chồng anh Thanh đăng ký kết hôn luôn, nếu không thì làm thủ tục nhận cha cho con kết hợp làm khai sinh cho trẻ. “Khai sinh là bắt buộc phải làm cho trẻ. Tôi không chỉ đạo xác minh như chị Hồng nói” - ông Hà khẳng định.
Chúng tôi phản ánh lại sự việc với Chủ tịch xã Nguyễn Văn Sĩ. Đang họp ở nơi khác, ông phải chạy về để giải quyết. Dùng dằng gần hết buổi chiều, cuối cùng vợ chồng anh Thanh cũng cầm được giấy khai sinh của con. Vợ anh Thanh cầm giấy định cho vào giỏ, anh hốt hoảng ngăn lại ngay, như sợ một báu vật sắp rơi vỡ, nói: “Phải chạy ra mua bìa hồ sơ để đựng, chứ để vậy nó nhăn thì sao”...
Thủ tục đăng ký khai sinh 1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật. 2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của luật này vào sổ hộ tịch; cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân. (Theo khoản 1, khoản 2 Điều16 Luật Hộ tịch 2014) |