Sắp có nhiều chính sách đột phá cho TP.HCM

Chiều muộn 26-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính về dự thảo nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM.

Phân quyền mạnh cho TP

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và căn cứ Kết luận số 21 ngày 24-10 của Bộ Chính trị về sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và trên cơ sở đề xuất của TP.HCM, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, dự thảo nghị quyết được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP.HCM. Đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của QH, Chính phủ, HĐND các cấp ở TP. Thực hiện đầy đủ công khai, minh bạch để thực hiện việc giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể.

“Chính sách phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và trật tự hệ thống của pháp luật, phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững” - ông Tuấn cho hay.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại cuộc họp. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Việc gì đã rõ thì cho làm ngay

Theo ông Tuấn, dự thảo nghị quyết quy định cho TP.HCM được tự chủ áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mà theo quy định hiện hành thì cơ chế, chính sách đó do cấp cao hơn quyết định; TP được phép thực hiện một số chính sách mà hiện hành chưa quy định… “Các lĩnh vực dự kiến được đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm bao gồm quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý” - ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết với tinh thần đẩy nhanh tiến độ trình nghị quyết ra QH, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng và kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính thành lập ban dự thảo. Quan điểm của nghị quyết là để TP.HCM thành trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có nguồn lực, có cơ chế chính sách, có được sự năng động để tiếp tục phát triển xứng đáng là đầu tàu cả nước.

Do đó, ông Dũng cho biết dự thảo sẽ có các nội dung quản lý quy hoạch đất đai, đầu tư, quản lý tài chính-ngân sách; giao cho HĐND TP trình Ủy ban Thường vụ QH về các loại thuế, chính sách thuế, phí thí điểm...

Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa kết thúc phiên họp QH, Đoàn đại biểu QH TP.HCM đã tập trung thảo luận về dự thảo nghị quyết này trước khi họp với Bộ Tài chính. Dù cuộc họp diễn ra ngoài giờ hành chính nhưng trên tinh thần vì TP, vì đất nước nên phải triển khai nhanh chóng.

“Tôi tin rằng với mong muốn như trên và trong khuôn khổ luật pháp, nếu thấy cái gì phù hợp thì làm đúng như vậy. Còn có cái gì khác do điều kiện TP thì xin làm thí điểm để TP.HCM có điều kiện phát triển nhanh và bền vững hơn vì cả nước. Làm cái gì có sự thay đổi nhưng không gây đảo lộn trong hệ thống. Tôi tin những vấn đề lớn nhất sẽ thống nhất được, còn những vấn đề khác thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói. 

“Đáng chú ý là các khoản tăng thêm để lại cho ngân sách TP 100%. Hạn mức vay của chính quyền địa phương nâng từ mức 60% theo quy định luật ngân sách hiện nay lên mức 90% nhưng phải căn cứ vào mức trần giới hạn mức bội chi hằng năm và tổng trần nợ công quốc gia. Ngoài ra, 50% tiền thu từ sử dụng đất gắn với tài sản trên đất của các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp, trừ an ninh quốc phòng sẽ được để lại cho ngân sách TP.HCM. Hiện theo quy định, các khoản thu này thuộc ngân sách trung ương 100%” - ông Dũng nói.

“Bộ Tài chính sẽ rà soát lại vấn đề đất đai, đầu tư, việc nào phân cấp cho TP thì để TP làm. Chúng tôi mong muốn sẽ tạo cho TP.HCM có một luật riêng. Chúng ta cũng phải quán triệt tinh thần chung của Bộ Chính trị, việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM đặt trong tổng thể chung cả nước, kết hợp hài hòa cái chung và riêng trong khuôn khổ pháp luật. Việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ, phức tạp thì làm thí điểm, tổng kết để nhân rộng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trình Quốc hội ngay tại kỳ họp này

Ngày 20-10, Bộ Tài chính đã tổ chức họp xin ý kiến một số bộ, cơ quan trung ương và UBND TP.HCM để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo, đồng thời Bộ Tài chính đã có văn bản gửi xin UBND TP.HCM cho ý kiến vào dự thảo.

Ngày 24-10, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tài chính kèm theo dự thảo nghị quyết của QH. Căn cứ ý kiến của TP.HCM, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo tờ trình và nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM.

Sau cuộc họp ngày 26-10, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình, dự thảo nghị quyết để xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ để báo cáo các cơ quan của QH và QH xem xét, quyết định.

Theo chương trình kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, dự thảo sẽ được trình QH xem xét và thông qua ngay tại kỳ họp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới