Sắp công bố dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để người dân góp ý

(PLO)- Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được khẩn trương hoàn thiện để đăng tải công khai lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ TN&MT để người dân góp ý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-7, Ban cán sự đảng Chính phủ đã nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác soạn thảo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là bước quan trọng để ban soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật quan trọng này, trước khi đăng tải công khai lên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ TN&MT để người dân góp ý.

Quá trình chuẩn bị

Quyền sử dụng đất hay đất đai nói chung vừa là một loại tài sản đặc biệt vừa là tư liệu sản xuất quan trọng, là tài nguyên có giới hạn của quốc gia. Chính vì vậy, rất nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đã trực tiếp, gián tiếp đưa ra các quan điểm, định hướng lớn liên quan đến đất đai.

Chẳng hạn, ở khóa trước là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (năm 2017); là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (năm 2019); là Kết luận 81 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực (năm 2020).

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Trưởng ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi chủ trì cuộc họp ban soạn thảo ngày 5-7. Ảnh: BNN

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Trưởng ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi chủ trì
cuộc họp ban soạn thảo ngày 5-7. Ảnh: BNN

Sang khóa này, các yêu cầu, định hướng lớn về chính sách đất đai cũng được nhắc tới trong văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) và mới đây nhất là Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5, tập trung chuyên đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Đáng chú ý, ngoài các quan điểm lãnh đạo của Đảng, năm 2019, Quốc hội cũng ra Nghị quyết 82, tập trung vào các yêu cầu hoàn thiện chính sách quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị.

Với các yêu cầu ấy, năm 2020, sau bảy năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, Thủ tướng đã lập Ban chỉ đạo tổng kết thực tiễn phục vụ việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Trên cơ sở kết quả tổng kết, tháng 7-2021, Chính phủ đã ra nghị quyết trong đó chính thức đề nghị xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, rồi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa dự luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội.

Sau một lần điều chỉnh, kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến bước đầu.

Bộ TN&MT thành lập ban soạn thảo

Sau Hội nghị Trung ương 5, giữa tháng 6-2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã quyết định thành lập Ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Tám nhóm công tác được thành lập, gần một tháng qua liên tục làm việc để rà soát, đề xuất các phương án sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo từng nhóm nội dung. Đó là nhóm nội dung về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, phân cấp quản lý; nhóm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tra, đánh giá tài nguyên đất; nhóm tài chính đất đai, giá đất; nhóm thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; nhóm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…

Từ nghiên cứu, đề xuất của các nhóm này, Bộ TN&MT với tính chất là cơ quan chủ trì dự luật đã tổ chức nhiều phiên họp tổng hợp, ráp nối để hình thành dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cố gắng thể chế hóa một cách khoa học nhất các quan điểm, định hướng lớn trong Nghị quyết 18 vừa ban hành hôm 16-6.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp Ban soạn thảo. Ảnh: BNN

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp Ban soạn thảo. Ảnh: BNN

Sửa đổi toàn diện nhưng có tính kế thừa cao

Dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện để đăng tải công khai, vừa lấy ý kiến của người dân, vừa lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới tiếp tục chỉnh sửa để trình Quốc hội. Vậy nên nội dung cụ thể chưa được chia sẻ.

Tuy nhiên, tin từ cuộc họp Ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi hôm 5-7 cho hay lần này sẽ sửa đổi toàn diện Luật Đất đai 2013 nhưng trên tinh thần kế thừa cao để đảm bảo tính ổn định, hợp lý của chính sách, pháp luật đất đai.

Đây là thách thức lớn, bởi có đến 112 luật, bộ luật hiện hành có liên quan đến Luật Đất đai. Trong đó 88 luật có quy phạm pháp luật về đất đai; 24 luật có ảnh hưởng đến quá trình quản lý, sử dụng đất; 22 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành.

Với các yêu cầu ấy, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi so với Luật Đất đai 2013 dù chỉ giữ nguyên khoảng 53 điều, sửa đổi, bổ sung khoảng 153 điều, bổ sung mới 31 điều, bãi bỏ bốn điều nhưng về cơ bản vẫn giữ cấu trúc như luật hiện hành.•

Cấu trúc khung của dự thảo Luật Đất đai mới

Dự thảo Luật Đất đai mới gồm 16 chương, tăng hai chương so với Luật Đất đai 2013. Gồm:

Chương I: Quy định chung

Chương II: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai

Chương III: Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai

Chương IV: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Chương V: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Chương VI: Thu hồi đất, trưng dụng đất

Chương VII: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Chương VIII: Phát triển quỹ đất

Chương IX: Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

Chương X: Tài chính đất đai, giá đất

Chương XI: Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai

Chương XII: Chế độ sử dụng các loại đất

Chương XIII: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

Chương XIV: Thủ tục hành chính về đất đai

Chương XV: Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

Chương XVI: Điều khoản thi hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm