Sắp đưa vụ tàu vỏ thép dỏm ra xét xử

Ngày 6-11, Quốc hi (QH) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Nhiều vấn đề nóng của ngành nông nghiệp đã được các đại biểu (ĐB) QH đặt ra như tàu vỏ sắt phải nằm bờ làm ngư dân rơi vào nợ nần; nhiều nông sản rớt giá; cảnh báo thẻ vàng của EU…

Rất nhiều tàu vỏ thép phải nằm bờ

Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã phản ánh: Nhiều ngư dân tiên phong hưởng ứng chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014 đang rơi vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát vì tàu hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh, phải nằm bờ…

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) dẫn chứng: Đến nay có 55 tàu, trong đó có đến 36 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không duy tu, bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: Nghị định 67/2014 được ban hành với nhiệm vụ song trùng là giúp ngư dân vươn ra ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Trong số 1.030 tàu đóng mới theo Nghị định 67 (từ 800 mã lực trở lên) có 358 tàu vỏ sắt (chiếm 34,2%).

“Quá trình đóng còn để xảy ra chuyện 40 tàu hỏng… Hiện nay còn 55 chiếc đóng theo Nghị định số 67 nằm bờ”, Bộ trưởng nói và cho biết một trong những bất cập dẫn đến câu chuyện này là do phương thức hỗ trợ tín dụng chưa phù hợp, tạo tính ỷ lại.

Ông thông tin là Chính phủ đã có chính sách thay thế theo hướng “ai có đủ điều kiện ra khơi, ai có năng lực, ai có kinh nghiệm, ai có tiềm lực thì tự người đó đóng và Nhà nước hỗ trợ một lần, đóng xong con tàu Nhà nước hỗ trợ tối đa 35%, với trị giá 6-8 tỉ đồng, tùy công suất”.

Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã đề nghị bộ trưởng Bộ Công an cho biết “Vì sao các hành vi phạm tội trong lĩnh vực đóng tàu cho ngư dân chưa bị khởi tố, điều tra, xử lý?”.

Trả lời, ĐB Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án vào ngày 16-8-2018. Qua quá trình điều tra, ngày 9-1-2019 Cơ quan An ninh điều tra đã có kết luận và đề nghị truy tố. Hiện nay vụ án sắp được đưa ra xét xử” - ông thông tin.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: TP

Khó tìm thị trường cho hàng nông sản

Các đại biểu cũng chất vấn tư lệnh ngành nông nghiệp về điệp khúc nông sản được mùa mất giá, nhiều sản phẩm rớt giá trong thời gian dài.

“Bộ trưởng có giải pháp gì về phục hồi hay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Hiện tiêu ở Tây Nguyên mất cả mùa, mất cả giá và cây cà phê thì mất giá kéo dài” - ĐB Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay những năm gần đây ngành nông nghiệp đang tập trung tái cơ cấu để tổ chức sản xuất chuỗi liên kết nhằm giảm dần hiện tượng được mùa mất giá.

Theo ông, sản lượng nông sản của Việt Nam rất lớn, tuy nhiên bất cập lớn nhất lại nằm ở khâu chế biến và tổ chức thương mại. “Nếu không có chế biến thì không thể nào dập được chuyện hôm nay được ngày mai lại mất” - ông nói.

Lấy ví dụ về cây tiêu, ông cho hay: Sản lượng tiêu của Việt Nam là 350.000 tấn, chiếm khoảng 60% sản lượng tiêu của thế giới. “Nếu không giảm diện tích hiệu quả, không tập trung khâu chế biến để nâng cao giá trị mà chỉ xuất thô thì chuyện thừa và thiếu vẫn liên tục xảy ra” - ông nói.

Ông cho là không chỉ hồ tiêu, cây công nghiệp mà các cây khác cũng theo nguyên tắc thị trường cần gì ta làm, đi sâu vào chế biến và tổ chức thị trường. “Bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được hiệu quả cho sản xuất bền vững” - ông nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) tranh luận lại: “Đề nghị bộ trưởng giải thích vì sao tổ chức sản xuất không phải là số một? Nếu tổ chức sản xuất không tốt thì lấy đâu ra sản phẩm tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán và bán cho ai và lấy gì để chế biến?”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải thích ý của ông muốn nói là sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện tại khâu khó nhất là thị trường. “Trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay của chúng ta, thị trường là một khâu khó nhất, chiến tranh thương mại vừa qua, từng cân rau, cân quả phải đấu tranh với nhau để bán hàng. Khó nhất là ở chỗ đó” - ông nhấn mạnh. Theo ông, khâu chế biến nông sản đang rất kém, hầu hết là xuất thô. “Chúng ta có làm tốt mấy mà không chế biến, cứ đi bán thô như kiểu thanh long vừa rồi thì không thể nào bán được” - ông nói.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng đánh bắt thủy sản

Tại phiên chất vấn, các ĐBQH cũng đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT có giải pháp gì để phát triển bền vững ngành thủy sản, tránh câu chuyện Việt Nam vừa qua phải nhận cảnh báo thẻ vàng từ EU về tình trạng đánh bắt thủy sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ đã chỉ đạo ngành và các địa phương trước mắt ngăn chặn việc khai thác thủy sản quá mức theo hướng không tăng sản lượng khai thác, thậm chí giảm sản lượng khai thác và đi vào chuỗi giá trị chế biến… Thứ hai là thay đổi cơ cấu, không đi khai thác nhiều nữa mà tập trung nuôi biển.

“Chúng ta phải xác định rằng EU kiến nghị các nội dung này rất trùng với ta, lợi ích của EU trùng với lợi ích của chúng ta, tức là phải cơ cấu lại, một nghề cá tự phát thành một nghề cá có trách nhiệm bền vững, không chỉ nuôi dưỡng tài nguyên đó cho những năm tới mà còn cho lâu dài, cho con cháu chúng ta và quan trọng nhất là đảm bảo hiệu quả cho những ngư dân tham gia hoạt động này” - ông nhấn mạnh.

Về việc gỡ thẻ vàng cảnh báo của EU, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ông thông tin trong tuần tới, đoàn công tác (của EU) sẽ trở lại Việt Nam kiểm tra lần hai để đánh giá, xem xét có gỡ thẻ vàng hay không.

“Tôi đề nghị các vị ĐBQH phối hợp với các lãnh đạo địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tập trung khắc phục tình trạng mà EU đã khuyến nghị để có thể sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu cho thủy sản Việt Nam”, ông nói và nhấn mạnh đây là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và cá nhân ông với tư cách là trưởng ban chỉ đạo nội dung này.

Trả lời của Bộ NN&PTNT đáp ứng nguyện vọng cử tri

(PL)- Bên hành lang QH, nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá khá tốt về phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhận xét: “Phần trả lời của bộ trưởng Bộ NN&PTNT đi thẳng vào các vấn đề ĐB quan tâm. Bộ trưởng là trưởng ngành, nắm tương đối chắc về lĩnh vực”.

ĐB Hạ cũng nói phần chất vấn, phản biện của các ĐB khác cũng rất thẳng thắn để rõ các vấn đề. “Chất vấn như vậy là rất tốt” - ĐB Hạ nói.

Còn ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) là người chất vấn về việc đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67/2014. ĐB Nhường nhận xét: “Vấn đề tôi chất vấn bộ trưởng trả lời chưa được rõ nhưng sau đó thống đốc Ngân hàng Nhà nước  đã trả lời thêm”.

Về vấn đề đóng tàu đánh cá theo Nghị định 67, ĐB Nhường nói chưa đạt hiệu quả. Bởi lý do là Chính phủ chưa dự báo được nguồn lợi thủy sản có đáp ứng được công suất tàu hay không. “Tàu càng hiện đại, chi phí càng nhiều thì ngư dân càng thua lỗ. Cái này chúng ta phải nhìn nhận trách nhiệm, phải chuyển đổi các tàu và xử lý nợ xấu thế nào. Chứ chúng ta không thể đẩy rủi ro về phía ngư dân trong khi họ là những cột mốc sống di động trên biển” - ĐB Nhường nói.

ĐB Nhường cũng ghi nhận việc Bộ trưởng Cường nói tháng 12-2019 sẽ đánh giá lại Nghị định 67 với sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành. “Những khó khăn sẽ phải tháo gỡ ở tầm Chính phủ vì vấn đề này còn liên quan đến các lĩnh vực khác như tín dụng, cơ chế, chính sách về an ninh quốc phòng” - ĐB Nhường nói. Ông nhận định các câu trả lời của Bộ trưởng Cường đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. “Nông nghiệp là một lĩnh vực rộng, bộ trưởng chỉ có thời gian ngắn trả lời nên cũng khó trả lời hết” - ông nói.

CHÂN LUẬN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới