Giành giật với tử thần
Đến 22 giờ cùng ngày, sau khi bị gãy hai mũi khoan lớn, lực lượng cứu hộ đã khoan sâu vào khoảng 26 m, xuyên thủng được đoạn hầm thủy điện bị sập, liên lạc được với người bên trong hầm. Lực lượng cứu hộ cứu nạn đã xác định được chín người còn sống, hai người chưa rõ tình trạng. Ngay sau khi biết thông tin, lực lượng cứu hộ đang cố gắng đưa xúc xích và một số thức ăn nhỏ vào theo đường ống cho các nạn nhân cầm cự sau hơn 15 giờ bị mắc kẹt trong đường hầm.
Khoan xuyên đoạn bị sập, lực lượng cứu hộ cũng đã bơm khí vào bên trong để các nạn nhân có đủ ôxy để thở và khẩn trương thực hiện khoan các mũi khoan khác để đưa ống sắt có đường kính lớn vào để các nạn nhân có thể chui qua, thoát ra ngoài. Ở phía bên ngoài, năm xe cứu thương cùng đội ngũ y, bác sĩ cũng đã túc trực, sẵn sàng cấp cứu khi đưa được các nạn nhân ra ngoài.
Bên trong, lực lượng cứu hộ không ngưng tay đào xúc đất với tốc độ khoảng 2 m đất đá/giờ để giải phóng khối đất đá bị sập che kín đoạn hầm.
Hiện trường nơi xảy ra vụ sập hầm thủy điện. Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, xác nhận: Lúc 7 giờ sáng 16-12, các công nhân, cán bộ của Công ty Cổ phần Sông Đà 505 vừa vào ca thi công đường hầm dẫn nước của công trình thủy điện thì bất ngờ một đoạn đường hầm bị sập. Hàng trăm khối đất đá đổ ập xuống, bít kín lối ra, thời điểm xảy ra sự cố có khoảng 30 công nhân, cán bộ kỹ thuật vào hầm làm việc và một số người sau đó đã kịp thời chạy thoát ra ngoài nhưng còn 12 công nhân, cán bộ kỹ thuật bị kẹt bên trong.
Theo Công ty Cổ phần Sông Đà 505 (đơn vị thi công), đây là đường hầm dẫn nước vào nhà máy thủy điện, có tổng chiều dài 700 m, đã thi công được khoảng 500 m thì xảy ra vụ sụp đáng tiếc nói trên.
Chưa rõ nguyên nhân sập hầm
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt và Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an Lâm Đồng, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường.
Tỉnh đã huy động các lực lượng cứu hộ gồm công an, quân đội và nhiều sở, ngành liên quan đến hiện trường cùng với đơn vị thi công, chủ đầu tư triển khai kế hoạch cứu hộ cứu nạn. Do không gian chật hẹp, hầm sâu nên việc cứu hộ khó khăn. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ huy động các máy khoan, máy ép thủy lực để đặt một đường ống dẫn khí, đưa không khí vào bên trong. Đến 12 giờ 30 phút, ống dẫn hơi đã xuyên qua bức tường đất.
Đại tá Hoàng Công Thạo, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Khó khăn của lực lượng cứu hộ là đường hầm sâu, nước trong hầm nhiều trong khi sự gia cố của đường hầm này không đảm bảo an toàn.
Theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, tất cả lực lượng như đơn vị thi công, công ty cấp thoát nước, công an cứu hộ, điện lực, y tế, chính quyền địa phương, công an quân sự... sẽ trực tham gia cứu hộ suốt đêm 16-12.
Hiện danh tính các nạn nhân và nguyên nhân vụ sập hầm chưa được tiết lộ.
Công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo có tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 109,27 triệu kWh với tổng mức đầu tư 475,166 tỉ đồng theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Công trình này gồm hai nhà máy thủy điện liên hoàn - Nhà máy thủy điện Đa Dâng đặt trên dòng sông Đa Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thủy điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đa Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).
Những vụ sập hầm lớn trên thế giới Tại Chilê, ngày 5-8-2010, xảy ra vụ sập hầm mỏ vàng khiến 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 m. Sau 17 ngày mất liên lạc, lực lượng cứu hộ đã kết nối được với những thợ mỏ mắc kẹt, giải cứu các nạn nhân. Tại Nhật, ngày 2-12-2012 xảy ra một vụ sập hầm xuyên núi tên Sasagel làm chín người thiệt mạng. Đường hầm này có chiều dài 4,7 km - một trong những đường hầm dài nhất ở Nhật và là tuyến đường huyết mạch, nối đường từ Tokyo tới TP Nagoya, tỉnh Yamanashi. Tại Ecuador, ngày 14-12-2014 xảy ra vụ sập hầm nhà máy thủy điện làm 13 người thiệt mạng và 12 người bị thương, trong đó có 10 người Ecuador, ba người Trung Quốc. Nhà máy này do Trung Quốc tài trợ và vẫn đang trong quá trình xây dựng. HOÀI THƯƠNG |