Sắp thi hành án tử bị cáo trong vụ tòa huyện tuyên án tử hình

Đây là trường hợp khá hy hữu vì việc tổng hợp hình phạt của TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM là sai khi tuyên bị cáo Linh mức tử hình.

Theo Chánh án Hiếu, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định tổng hợp hình phạt trong nhiều bản án mà Linh là bị cáo sau khi tòa này có văn bản xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ cấp trên. Trước đó, TAND TP.HCM có kiến nghị TAND tỉnh Kiên Giang tổng hợp hình phạt bản án của TAND Cấp cao và bản án của TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Như đã thông tin, Phạm Tuất Linh đã bị TAND tỉnh Kiên Giang tuyên án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản khi xét xử sơ thẩm. Tháng 1-2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm tử hình đối với Linh.

Đáng chú ý, vào tháng 4-2018, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã xử sơ thẩm, phạt bị cáo Linh một năm tù về tội trộm cắp tài sản khi Linh trộm một máy tính bảng. TAND huyện đã tổng hợp hình phạt của tòa này và bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật trước đó buộc Linh chịu hình phạt chung là tử hình.

Sau đó TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án này và tuyên y án Linh một năm tù như cấp sơ thẩm nhưng hủy phần tổng hợp hình phạt và kiến nghị TAND tỉnh Kiên Giang tổng hợp đối với hai bản án.

Theo TAND TP.HCM, việc xét xử của TAND huyện Bình Chánh là không đúng với thẩm quyền và trái với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về việc bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết 01/2007 và Nghị quyết 02/2007). Cụ thể, nếu một bị cáo đã bị tuyên mức án tử hình trong một vụ án và bản án đã có hiệu lực thì khi phạm tội trong một vụ án khác, thẩm quyền truy tố, xét xử sơ thẩm phải thuộc về cấp tỉnh (thành phố) nơi xảy ra vụ án khác đó.

Trong khi trước đó TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng theo luật tòa này không có thẩm quyền để tổng hợp hình phạt với bản án của tòa cấp cao hơn (tức TAND Cấp cao tại TP.HCM).

Sắp có hướng dẫn về tổng hợp hình phạt

Một lãnh đạo TAND Tối cao cho biết BLHS đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung và cho đến thời điểm hiện tại TAND Tối cao vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thẩm quyền tổng hợp hình phạt được quy định tại Điều 56 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều này gây không ít khó khăn trong việc thống nhất áp dụng pháp luật và thực tế các tòa án vẫn áp dụng Thông tư liên tịch số 02/1991 của TAND Tối cao và VKSND Tối cao (áp dụng cho BLHS 1985; sửa đổi, bổ sung năm 1992) để thực hiện việc tổng hợp hình phạt nhiều bản án. Vì thế sắp tới sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm