Theo đó, TAND tỉnh Kiên Giang báo cáo và xin
ý kiến hướng dẫn để tòa này áp dụng thống nhất pháp luật và sớm thực hiện các thủ tục thi hành án đối với Linh. TAND tỉnh Kiên Giang có quan điểm về phần kiến nghị của TAND TP.HCM rằng tòa này không có thẩm quyền tổng hợp hình phạt trong vụ án này.
Về nội dung: Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang không thể tổng hợp hình phạt của bản án không có hiệu lực pháp luật - bản án của TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Về thẩm quyền: Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang không có thẩm quyền tổng hợp hình phạt của bản án của tòa cấp cao hơn.
Về tổng hợp hình phạt: Thẩm quyền tổng hợp hình phạt của hai bản án đã có hiệu lực pháp luật (án của TAND Cấp cao tại TP.HCM và án của TAND TP.HCM) thuộc thẩm quyền của chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM.
TAND tỉnh Kiên Giang phân tích: Mục 5 điểm c TTLT 02/1991 của TAND Tối cao và VKSND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 1985 quy định: Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật của các tòa án không cùng cấp thì chánh án tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào bản án của tòa án cấp cao hơn có trước hay sau.
Mặc dù thông tư này được ban hành từ năm 1991, từ đó đến nay BLHS đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng Điều 56 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không có gì thay đổi so với Điều 42 BLHS 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1992) và thực tế tòa án các cấp vẫn áp dụng thông tư này để thực hiện việc tổng hợp hình phạt nhiều bản án đúng thẩm quyền.
Hơn nữa, cho đến thời điểm này, TAND Tối cao chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thẩm quyền tổng hợp hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 52 BLHS 2015 để bổ sung, thay thế TTLT 02/1991.
Bị cáo Linh (phải) cùng đồng phạm tại phiên xử bị tuyên án tử hình. Ảnh: CTV
Pháp Luật TP.HCMtừng phản ánh ý kiến của chuyên gia cho rằng việc TAND TP.HCM kiến nghị chánh án Kiên Giang tổng hợp hình phạt bản án tử hình của Tòa án Cấp cao và bản án một năm tù chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa Bình Chánh là không đúng. Vì chánh án TAND tỉnh Kiên Giang không có thẩm quyền tổng hợp hình phạt trong vụ án này.
Cụ thể: Theo Điều 364 BLTTHS 2015 thì chánh án tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án trong hạn bảy ngày kể từ ngày nhận án phúc thẩm. Theo quy định này thì chánh án Tòa Bình Chánh phải ra quyết định thi hành án, tức là phải ra quyết định thi hành bản án phúc thẩm.
Tuy nhiên,
TAND TP.HCM đề nghị tổng hợp bản án của Tòa Cấp cao với bản án Bình Chánh nên Bình Chánh không thể ra quyết định thi hành án. Còn nếu chuyển về Kiên Giang để ra quyết định thi hành án và tổng hợp hình phạt thì sẽ gặp khó. Bởi lẽ Kiên Giang không xử sơ thẩm vụ trộm nên theo quy định trên, Kiên Giang không có quyền ra quyết định thi hành bản án phúc thẩm mà TAND TP.HCM vừa tuyên.
Việc TAND TP.HCM cho rằng NQ 02/2010 đã hết hiệu lực vì nghị quyết này hướng dẫn cho BLHS cũ nên khi BLHS mới có hiệu lực thì NQ này cũng hết hiệu lực theo là chưa chuẩn. Bởi lẽ phần quyết định của bản án, tòa phúc thẩm đều áp dụng BLHS cũ, không có phần nào áp dụng BLHS 2015.
Hơn nữa, hiện nay chưa có
văn bản pháp luật nào thay thế cho NQ 02/2010 hướng dẫn trong trường hợp một người đang chấp hành bản án chung thân, tử hình mà lại bị xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng thì tòa nào có thẩm quyền xử và tổng hợp hình phạt. Khi chưa có hướng dẫn mới thì quy định cũ vẫn được áp dụng.
Nội dung vụ án Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Phạm Tuất Linh đã bị TAND tỉnh Kiên Giang xử tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản. TAND Cấp cao tại TP.HCM y án sơ thẩm. Nhưng trước đó, Linh lấy trộm chiếc máy tính bảng trị giá 3,15 triệu đồng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ngày 23-4, TAND huyện Bình Chánh phạt Linh một năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp với bản án tử hình đã có hiệu lực, tòa buộc Linh phải chấp hành hình phạt chung là tử hình. Bản án này đã bị VKSND TP.HCM kháng nghị vì NQ 02/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về việc bổ sung một số hướng dẫn của NQ 01/2007 và NQ 02/2007) thì trường hợp này, thẩm quyền truy tố, xét xử thuộc cấp thành phố. TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã cho rằng NQ02/2010 hết hiệu lực từ ngày BLHS 2015 có hiệu lực nên chỉ hủy phần tổng hợp hình phạt của bản án sơ thẩm và kiến nghị chánh án Kiên Giang tổng hợp hình phạt tử hình của Tòa Cấp cao và bản án một năm tù của TAND Bình Chánh. |