Vấn đề người dân quan tâm, lo lắng nhất khi sáp nhập phường, xã là phải thay đổi các giấy tờ tùy thân, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ.

Sắp xếp 80 phường ở TP.HCM: Hạn chế thấp nhất phiền hà cho dân

(PLO)- Sắp xếp huyện, xã trong giai đoạn hiện nay ở các địa phương là điều cần thiết, tuy vậy công tác đổi giấy tờ, sắp xếp vị trí việc làm… đang là vấn đề mà người dân, cán bộ rất quan tâm.

LTS: Các địa phương tại TP.HCM đang đẩy nhanh hoàn thiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030. Đây được xem là nỗ lực lớn của chính quyền TP.HCM trong tổ chức đơn vị hành chính các cấp phù hợp với xu thế phát triển của cả nước và phù hợp với đặc thù riêng của TP đầu tàu. Việc sắp xếp sẽ góp phần giúp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và mở ra không gian phát triển mới cho TP cả về cơ chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

*****

Theo kế hoạch sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của cả nước, tại TP.HCM sẽ có 80 phường, xã của 10 quận thuộc diện phải sáp nhập. Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị các cơ quan, đơn vị sớm hoàn thiện đề án chi tiết việc sắp xếp này để kịp trình HĐND TP thông qua trước khi trình Bộ Nội vụ vào cuối tháng 7.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo các địa phương nhìn nhận việc sắp xếp lại đơn vị hành chính (ĐVHC) là xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính. Tuy nhiên, đây là chủ trương khó, nhạy cảm, do vậy các quận, phường sẽ nỗ lực giải quyết các khó khăn tạo sự đồng thuận trong người dân và đội ngũ cán bộ.

Sắp xếp huyện xã 80 phường ở TP.HCM: Hạn chế thấp nhất phiền hà cho dân
Vấn đề người dân quan tâm, lo lắng nhất khi sáp nhập phường, xã là phải thay đổi các giấy tờ tùy thân, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ. Ảnh: THUẬN VĂN

Nhà nước chủ động đổi giấy tờ cho dân

Quá trình sắp xếp ĐVHC phường trên địa bàn, vấn đề mà người dân TP.HCM lo lắng nhất chính là phải thay đổi các giấy tờ tùy thân, ảnh hưởng đến đời sống ổn định trước đây.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, muốn sắp xếp hiệu quả thì cần làm khoa học và có lộ trình rõ ràng. Ông Dũng cho hay quận Gò Vấp có tám phường phải sắp xếp, giảm từ 17 phường xuống còn 13 phường sau sắp xếp.

“Chúng tôi đã chuẩn bị xong và có báo cáo đề án cho TP.HCM, bao gồm cả phương án về sắp xếp địa giới hành chính, cơ sở vật chất, trụ sở cơ quan, đơn vị, bố trí chức danh, vị trí, nhân lực…” - ông Dũng nói và nhìn nhận việc thay đổi thông tin trên giấy tờ là khó khăn chung của cả bộ máy.

“Tôi cho rằng thuận lợi nhất là cho phép áp dụng giấy tờ cũ trong thời gian đầu. Sau đó, khi người dân tới phường, quận làm thủ tục hành chính thì đổi luôn, tránh phiền hà cho người dân cũng như cơ quan nhà nước” - ông Dũng gợi mở.

Ông Dũng cho rằng sau khi sắp xếp lại ĐVHC phường, phường mới sẽ có dân số nhiều hơn, đòi hỏi cán bộ cơ sở cũng phải làm việc nhiều hơn. “Theo Nghị định 33/2023, phường từ 15.000 dân trở lên thì cứ 5.000 dân được tăng thêm một công chức và một người hoạt động không chuyên trách, cộng thêm việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thì công việc tại các phường cơ bản sẽ ổn định” - ông Dũng nhìn nhận.

Còn lãnh đạo Phòng Nội vụ quận Bình Thạnh cho biết quận có 13 phường thuộc diện sắp xếp, từ 20 phường hiện tại thành 15 phường sau sắp xếp. Trong đó, quận đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính năm phường để thành lập phường mới.

Chính quyền quận đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ kinh nghiệm trong những lần thay đổi trước nhằm hạn chế thấp nhất sự phiền hà cho dân. Khi người dân liên hệ thực hiện các thủ tục, giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ có thay đổi thì sử dụng giấy tờ cũ để cập nhật lại. Trường hợp người dân chưa có giao dịch nhưng muốn đổi giấy tờ theo phường mới thì sẽ thực hiện theo nhu cầu của người dân…

“Tinh thần là cơ quan nhà nước sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để đổi cho người dân, không để người dân đi lại nhiều lần” - vị lãnh đạo khẳng định.

sap-xep-80-phuong-o-tp-hcm-han-che-thap-nhat-phien-ha-cho-dan.jpg
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường 9, quận 11, TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Thông tin về chủ trương sắp xếp cho các cán bộ

Bên cạnh những băn khoăn về thay đổi giấy tờ, việc sắp xếp phường, xã cũng khiến không ít cán bộ, công chức tâm tư, lo lắng.

Lãnh đạo phường 9, quận 11 cho biết việc phường 9 sẽ sáp nhập vào một phường khác và không được giữ lại tên khiến đội ngũ cán bộ cũng lo lắng vì không biết mình sẽ được sắp xếp, bố trí như thế nào. “Cán bộ rất băn khoăn vì khi sáp nhập hai ĐVHC lại sẽ dẫn đến việc cùng một vị trí việc làm có tới hai người. Vậy sẽ giữ ai, người còn lại đi đâu, vị trí được bố trí có phù hợp với năng lực của mình không…” - vị này nêu thực tế.

Từ đó, ông đề nghị TP cần sớm thông tin về chủ trương sắp xếp lại ĐVHC cũng như phương án bố trí nhân sự để cán bộ yên tâm công tác. “Nên để cán bộ biết sớm và chủ động sắp xếp công việc của mình chứ không nên để “nước tới chân mới nhảy” - lãnh đạo phường 9 chia sẻ và cho rằng việc chọn cán bộ nào tiếp tục ở lại công tác phải có cơ sở, tiêu chí minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là khi sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo.

Để cán bộ yên tâm công tác sau khi sắp xếp ĐVHC, lãnh đạo phường này cho rằng cần có chính sách tiền lương và đãi ngộ thỏa đáng, hợp lý. Bởi khi địa bàn tăng gần gấp đôi, số dân đông hơn sẽ khiến áp lực công việc của cán bộ tăng lên. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại công việc tại địa phương, tinh gọn các thủ tục hành chính, chuyển đổi số để giảm tải gánh nặng cho cán bộ.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Chủ tịch UBND phường 4, quận Phú Nhuận, cho hay lãnh đạo phường cũng nhiều lần động viên anh em cố gắng làm việc cho đến khi nhận được quyết định thay đổi. “Cán bộ cũng hiểu và sẵn sàng, bây giờ phường đang chờ công bố kế hoạch cụ thể” - ông Vũ nói.

Còn ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch UBND phường 1, quận 8, thông tin hầu hết cán bộ đều lo lắng về vị trí công tác sau sáp nhập và nguy cơ tăng áp lực giải quyết công việc do khối lượng công việc tăng. “Lo lắng là hiển nhiên nhưng cán bộ phường vẫn sẽ đảm bảo tốt tiến độ công việc và nhiệm vụ chuyên môn được giao cho đến khi hoàn thành sáp nhập” - ông Đại nói.

sap-xep-phuong-xa-tp.hcm.jpg
Người dân tin tưởng việc sắp xếp ĐVHC ở TP.HCM sẽ diễn ra suôn sẻ, chính quyền địa phương sẽ có các biện pháp hỗ trợ cụ thể giúp đỡ người dân trong quá trình chuyển đổi. Ảnh: THUẬN VĂN

Lãnh đạo phường mới phải tháo vát

Trong đợt này có những địa phương gặp bỡ ngỡ do lần đầu sắp xếp ĐVHC phường thì một số địa phương khác lại từng có kinh nghiệm trong việc này ở giai đoạn 2019-2021.

Quận 10 là một trong sáu địa phương đó và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, quận sẽ sắp xếp sáu phường (phường 6, 7; phường 5, 8 và phường 10, 11) thành ba phường.

Theo lãnh đạo UBND quận 10, đây là áp lực không hề nhỏ bởi số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư cần bố trí là gần 100 người. Trong đó, cần bố trí ngay 18 cán bộ (bí thư, phó bí thư, chủ tịch Ủy ban MTTQ, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, bí thư Đoàn thanh niên, chủ tịch Hội Cựu chiến binh), chín công chức lãnh đạo quản lý (chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường).

Tôi chỉ mong sau khi sắp xếp sẽ được bố trí chỗ làm gần nơi cư trú, công việc đúng chức với danh, chuyên môn để có thể phát huy tốt thế mạnh từ nền tảng công việc ban đầu. Và dù được phân công nhiệm vụ nào hay chuyển đến đơn vị khác thì tôi cũng sẽ cố gắng để hoàn thành tốt công việc được giao.

NGUYỄN THỊ NGỌC ANH, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường 1, quận 8

Ngay từ đầu năm 2024, quận 10 đã chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách tại 14 phường. Cùng với đó, rà soát cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn điều kiện, lập danh sách đưa vào kế hoạch tinh giản.

“Chúng tôi sẽ tổ chức buổi làm việc đối với cán bộ, công chức các phường để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhằm có hướng giải quyết hợp lý, hợp tình” - ông nói.

Lãnh đạo quận 10 cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập phường phải dựa trên các yếu tố về diện tích, dân số, vị trí địa lý liền kề và các yếu tố đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội. Cách chọn tên phường mới phù hợp cũng giúp hạn chế rất nhiều sự phiền hà cho người dân trong đổi các giấy tờ liên quan.

“Việc bố trí, điều động, sắp xếp cán bộ lãnh đạo tại phường mới rất quan trọng. Cán bộ phải tháo vát, năng động để nhanh chóng đưa phường vào hoạt động hiệu quả. Họ cũng phải công tâm trong lãnh đạo đơn vị để có thể sắp xếp tinh giản, ổn định được nội bộ của phường sau sáp nhập” - lãnh đạo quận 10 chia sẻ bí quyết.

Kinh tế - xã hội phường sau sắp xếp chuyển biến tích cực

Chia sẻ về kinh nghiệm sắp xếp các phường trong giai đoạn trước, lãnh đạo UBND quận 10 cho biết lúc bấy giờ, phường 2 và phường 3 được sắp xếp thành ĐVHC mới lấy tên là phường 2.

“Sau sắp xếp, khó khăn đầu tiên là phải nhanh chóng đổi giấy tờ cho người dân phường 3 vì đây là phường bị xóa tên, tránh ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống của người dân” - lãnh đạo UBND quận 10 nhớ lại và nói trong ba tháng đầu tiên phường 2 mới đã tập trung toàn bộ nhân lực để lo đổi giấy phép kinh doanh, giấy tờ nhà và nhiều giấy tờ khác cho dân. Đáng chú ý, chỉ trong một năm, phường 2 mới đã sắp xếp xong toàn bộ số lượng nhân sự dôi dư và trở về đúng theo biên chế được giao của phường loại 1 là 37 người.

Theo lãnh đạo UBND quận 10, sau khi sắp xếp, sáp nhập (từ ngày 1-2-2021), phường 2 mới đã nhanh chóng ổn định bộ máy, đi vào hoạt động hiệu quả và vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất đại dịch COVID-19. Hiện nay, kinh tế phường đã phục hồi và phát triển rất tốt…

“Chúng tôi đánh giá việc sắp xếp ĐVHC phường 2 và phường 3 đã thành công” - lãnh đạo UBND quận 10 khẳng định.

*****

Ý KIẾN NGƯỜI DÂN

Ông HỒ ANH TÚ, người dân quận Gò Vấp:

Người dân đồng thuận cùng TP thực hiện

Sinh ra và lớn lên tại phường 13, quận Gò Vấp, từng số nhà, khu phố, con đường nơi đây đã in sâu vào tiềm thức của tôi. Sau khi nghe tin phường 13 sẽ sáp nhập một phần vào phường 14 và một phần vào phường 15, tôi không khỏi lo lắng.

Tất cả giấy tờ của tôi từ CCCD, sổ hộ khẩu, bằng lái xe đến thông tin giao dịch ngân hàng… đều ghi là phường 13. Bây giờ sáp nhập lại thì không biết nhà tôi sẽ thành phường 14 hay phường 15, rồi có cần sửa hết giấy tờ không, sẽ sửa thông tin như thế nào? Chúng tôi cũng lo việc đổi tên phường có ảnh hưởng nhiều đến thủ tục nhập học cho các cháu không?

Đây là chủ trương lớn của Trung ương và TP, chúng tôi đồng thuận và thực hiện, tuy nhiên tôi mong địa phương sẽ có hướng dẫn thủ tục cho người dân, giúp chúng tôi chuyển đổi giấy tờ thuận lợi, sớm ổn định cuộc sống.

-----

BÙI THỊ HƯƠNG, người dân quận 8:

Cần thời gian để thích nghi

Tôi nghe nói quận 8 sẽ sáp nhập các phường 1, 2 và 3 thành phường mới và đặt tên là Rạch Ông, điều này khiến tôi lo lắng liệu có làm ảnh hưởng đến đặc thù của từng khu vực.

Tôi cho rằng mỗi phường có lịch sử, văn hóa và cộng đồng riêng. Việc sáp nhập có thể làm mất đi tính đa dạng này và làm cho mọi thứ trở nên đồng nhất. Nhiều đặc điểm độc đáo của từng phường sẽ không còn được duy trì và phát triển.

Ngoài ra, khi các phường hợp lại với nhau, cơ quan hành chính mới sẽ được thành lập để quản lý khu vực rộng lớn hơn. Điều này có thể dẫn đến việc thay đổi trong dịch vụ hành chính công và người dân sẽ mất một thời gian khá dài để thích nghi với những thay đổi.

-----

Ông NGUYỄN VĂN ĐỊNH, người dân quận 8:

Tin tưởng TP sẽ thực hiện sắp xếp hiệu quả

Việc sáp nhập phường và có tên phường mới đòi hỏi người dân phải cập nhật địa chỉ mới trên CCCD, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác.

Gia đình tôi làm kinh doanh, thường ngày có nhiều người đến lấy và giao hàng nên khi thay đổi tên phường thì ít nhiều cũng có ảnh hưởng. Việc thay đổi thông tin có thể gây khó khăn trong định vị địa chỉ và di chuyển, đặc biệt là những người không quen thuộc với khu vực.

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM thực hiện sắp xếp ĐVHC nên tôi tin công tác sắp xếp sẽ diễn ra suôn sẻ, chính quyền địa phương sẽ có các biện pháp hỗ trợ cụ thể giúp đỡ người dân trong quá trình chuyển đổi.

Mỗi người dân ở phường thuộc diện sáp nhập cũng cần quan tâm và theo dõi sát sao thông tin để làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, chuẩn bị cho quá trình sáp nhập diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Đọc thêm