Chiều 28-2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Là việc rất “đụng chạm”
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
“So với các quốc gia trên thế giới, đúng là bộ máy của chúng ta nặng nề thật. Chính vì vậy, chúng ta khó tăng lương, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả” - Phó Thủ tướng nói.
Trong quá trình sắp xếp huyện, xã, cần tôn trọng ý kiến từ cơ sở, không máy móc, nếu không sẽ thất bại.
Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của BCĐ thời gian qua đã nỗ lực làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đây là việc khó, nhất là khi thời gian thực hiện hạn hẹp, chỉ còn khoảng sáu tháng, đến tháng 9 phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét.
Bên cạnh đó, sắp xếp ĐVHC là đụng chạm đến các địa phương, đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người. Chính vì vậy, việc này đòi hỏi phải làm thật kỹ.
Theo Phó Thủ tướng, địa phương đã trình lên 56 đề án của 56 địa phương, trách nhiệm BCĐ là tháo gỡ khó khăn để kịp tiến độ đề ra. “Chúng ta phải vượt qua chính mình thì mới thành công được” - ông nhấn mạnh.
Sắp xếp 50 huyện, 1.243 xã
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay các địa phương đã rất nỗ lực đưa ra phương án sắp xếp 50 huyện, 1.243 xã, dù một số trường hợp có yếu tố đặc thù nhưng không nhiều. Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc hiện nay gặp phải trong quá trình sắp xếp chủ yếu liên quan đến ngành xây dựng.
“Hơn lúc nào hết, trách nhiệm, vai trò của các thành viên BCĐ mang tính quyết định. Dù các đồng chí rất bận rộn nhưng đây là việc hệ trọng, là trách nhiệm chính trị trước Đảng, QH, Chính phủ, chúng ta không còn cách nào khác là phải làm” - bà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng nhau phối hợp thẩm định hồ sơ, đề án của 56 tỉnh, TP. BCĐ sẽ chia nhóm để làm cuốn chiếu, thẩm định xong trình Chính phủ, sau đó trình UBTVQH. Việc này rải đều từ nay đến hết tháng 9 chứ không dồn vào làm một lúc.
“Cần tập trung để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương. Đầu tiên là vướng mắc liên quan đến phân loại ĐVHC đô thị, quy hoạch của ĐVHC đô thị với quy hoạch tỉnh của 10 đơn vị. Tôi sẽ cùng bộ trưởng hoặc thứ trưởng Bộ Xây dựng ngồi lại với nhau giải quyết vướng mắc của các địa phương” - bà Trà nói.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh hiện đã làm được khoảng 60% công việc, tuy nhiên 40% công việc còn lại rất khó khăn trong khi thời gian còn lại không nhiều. Vậy nên việc này đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm lớn.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề ra năm nguyên tắc triển khai thực hiện. Trong đó, ông đề nghị thủ tục cần rút gọn nhất có thể; cái gì có thể cho nợ được thì cho nợ với điều kiện đáp ứng được yêu cầu cụ thể, còn nếu dàn hàng ngang thì trong sáu tháng sẽ làm không xong.
Nguyên tắc khác là cái nào kẹt lắm, chưa làm được ngay mới phải chuyển qua giai đoạn sau. “Việc này rất hãn hữu, nếu không thể xoay xở được mới phải chuyển sang giai đoạn sau” - Phó Thủ tướng nói và yêu cầu triển khai đồng thời những nhiệm vụ còn lại để đảm bảo tiến độ, phải tôn trọng ý kiến của cơ sở, tránh máy móc.
“Chúng ta không máy móc, vì sướng hay khổ là cơ sở chịu, việc triển khai như thế nào là ở dưới họ làm, còn trên này chỉ duyệt đề án, tức là xác nhận đề xuất từ cơ sở… Chúng ta cần phải tôn trọng anh em cơ sở, nếu không chúng ta sẽ thất bại” - ông nhấn mạnh.
Sáu đơn vị hành chính cấp huyện chưa có quy hoạch đô thị
Sau khi sắp xếp, 17/50 ĐVHC cấp huyện và 403/1.243 ĐVHC cấp xã sẽ là đô thị. Tuy nhiên, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đối với đô thị cần thời gian rất dài. Hiện có 6/17 ĐVHC cấp huyện chưa có quy hoạch đô thị. Nếu sáu đơn vị cấp huyện này chưa triển khai công tác lập quy hoạch thì rất khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng đô thị sau khi sắp xếp.
Chúng tôi chưa nhận được đề án chính thức. Tuy nhiên như Lạng Sơn, huyện Cao Lộc nhập vào TP Lạng Sơn là đô thị loại I. Cao Lộc có diện tích gấp tám lần TP Lạng Sơn mà bảo vẫn là đô thị loại I thì không biết là làm thế nào?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN TƯỜNG VĂN
******
Hỗ trợ 600 tỉ đồng thực hiện sáp nhập huyện, xã
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết kinh phí bước đầu dự kiến hỗ trợ là 20 tỉ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã thực hiện sáp nhập. Kinh phí được lấy từ nguồn vốn chi đầu tư phát triển. Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng phân bổ chi phí theo đúng quy định về phân bổ ngân sách nhà nước.
Thông tin thêm, đại diện đến từ Bộ KH&ĐT cho biết theo Nghị quyết 35 của UBTVQH về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, dự kiến bố trí 600 tỉ đồng để hỗ trợ một lần (một huyện được hỗ trợ 20 tỉ đồng, một xã được hỗ trợ 500 triệu đồng).
Vị này cho hay Bộ KH&ĐT đã hai lần kiến nghị nên sử dụng kinh phí chi thường xuyên, vì nếu sử dụng theo đối tượng của Luật Đầu tư công sẽ rất phức tạp, với rất nhiều quy trình, thủ tục. Bộ đã kiến nghị để Bộ Tài chính bố trí trong chi thường xuyên để các huyện, xã nhận một lần, thực hiện cho dễ.