Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy để tiến vào kỷ nguyên mới

(PLO)- Nếu muốn khởi đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngay sau Đại hội XIV thì cần giải quyết những bất cập, hạn chế về thể chế vốn đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức, bộ máy. Nhưng lúc đó, việc tổ chức, bộ máy được triển khai với ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vậy nên phải sau năm 1975, nhất là sau khi ta bước vào giai đoạn Đổi mới, việc tổ chức lại bộ máy tinh, gọn cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn mới mới được đẩy mạnh.

Bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc

Với những thành quả bước đầu của công cuộc Đổi mới, từ sau Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cùng với việc ban hành Hiến pháp 1992, sau đó là Hiến pháp 2013, bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan tham mưu của Đảng, các bộ, cơ quan ngang bộ đã được sắp xếp, tinh gọn đi rất nhiều. Chính phủ cũng được tổ chức lại, Quốc hội đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn, đúng với phương thức Đảng lãnh đạo, cầm quyền chủ yếu thông qua bộ máy nhà nước...

GS-TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị đã đáp ứng cơ bản nhiệm vụ, giúp chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm. Tuy nhiên, Đảng cũng luôn đánh giá, rà soát và có những chỉ đạo lớn. Đặc biệt là năm 1995, Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước mà trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính.

Trong nghị quyết chuyên đề lớn này, Trung ương đánh giá tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc, công việc chồng chéo và nhiều khi cản trở lẫn nhau, hiệu lực và hiệu quả thấp. Nạn quan liêu, lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn yếu. Đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung chưa ngang tầm nhiệm vụ, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Tình trạng tổ chức Đảng bao biện, làm thay, can thiệp sâu vào những công việc thuộc chức năng điều hành của Nhà nước vẫn còn tồn tại. Mặt khác, có những nơi lại xem nhẹ sự lãnh đạo của Đảng, của tập thể cấp ủy, buông lỏng lãnh đạo.

Trung ương lúc đó cũng đánh giá là chúng ta còn chậm đặt vấn đề nghiên cứu có hệ thống về cải cách bộ máy nhà nước.

Đến khóa VIII, Trung ương ban hành liên tiếp Nghị quyết Trung ương 3 năm 1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết Trung ương 7 năm 1999 một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước.

Thí điểm rồi… lại dừng

Nói thế để thấy từ 30 năm trước, nhiều vấn đề lớn, toàn diện của tổ chức bộ máy, gồm cả công tác cán bộ, chính sách tiền lương đã được đặt ra với nhiều giải pháp cụ thể. Quá trình thực hiện có những thành công và đạt được những bước tiến nhất định nhưng cũng có những hạn chế, thậm chí là thất bại, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng.

Chẳng hạn, vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã thực hiện ở 10 tỉnh, TP, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X năm 2007… nhưng cuối cùng vì chưa có sự thống nhất cao và một số lý do nào đó mà dừng lại. Để rồi những năm qua, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng lại phải tìm kiếm các cơ chế đặc thù để không tổ chức HĐND ở những cấp trung gian, không cần thiết hoặc không phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.

Cán bộ UBND quận Gò Vấp, TP.HCM làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

10 năm sau là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII năm 2017 được ban hành để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cũng có rất nhiều mô hình cải cách mới được đưa ra.

Chẳng hạn, hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện. Hay thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và MTTQ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện... nhưng đến năm 2022, Bộ Chính trị lại chỉ đạo tạm dừng thí điểm mô hình này… Điều đó cho thấy chúng ta còn những lúng túng cần có tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng.

Năm giải pháp cơ bản trong tổ chức bộ máy

Thời gian từ nay đến Đại hội XIV không còn dài. Nếu thực sự muốn khởi đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngay sau đại hội thì đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, chúng ta cần giải quyết những bất cập, hạn chế về thể chế - đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Một cuộc cách mạng thực sự về tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương sẽ góp phần vào các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn này.

Theo tôi, có một số giải pháp cơ bản. Đầu tiên là phải có quyết tâm chính trị cao, cần thống nhất, quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân tính cấp bách, yêu cầu bức thiết về cải cách bộ máy của hệ thống chính trị, cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, cần có cách tiếp cận hệ thống về sắp xếp tổ chức, bộ máy. Sắp xếp bộ máy phải đồng bộ, cải cách theo chức năng, nhiệm vụ của các loại tổ chức (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội) và trong từng tổ chức; đổi mới các mối quan hệ, các cơ chế vận hành của hệ thống và tổ chức theo chức năng, vị trí việc làm trong bối cảnh xây dựng quốc gia số.

Quá trình sắp xếp lại cũng cần tuân thủ những nguyên tắc khoa học về lãnh đạo, quản lý, tổ chức, nhân sự. Đồng thời có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực gồm nhân lực, nhân sự, cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ, tài chính... và phải triển khai có bài bản, theo chu trình nghiêm ngặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới