Ngày 4-6, Quốc hội (QH) đã bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TN&MT.
Sạt lở, sụt lún do nhiều nguyên nhân
Đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) nêu thực trạng sạt lở, sụt lún bờ sông đang bủa vây vùng ĐBSCL với mức độ hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. ĐB Bé đề nghị bộ trưởng Bộ TN&MT có những đánh giá cụ thể về công tác dự báo, dự phòng cũng như giải pháp để ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN^&MT Đặng Quốc Khánh cho biết có một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sạt lở, sụt lún ở vùng ĐBSCL.
Thứ nhất là do khu vực này có nền địa chất yếu, non trẻ. Theo số liệu quan trắc, giám sát giai đoạn 2015-2017, từ khu vực TP Cần Thơ trở xuống, nhiều nơi đo được lún khoảng 10 cm.
Thứ hai là lượng phù sa bồi đắp ở vùng ĐBSCL ngày một ít. Thứ ba là quá trình phát triển xây dựng các khu dân cư, đô thị hóa, nuôi trồng thủy sản, lấn chiếm bờ sông đã làm tăng tải trọng, tác động đến dòng chảy… dẫn đến hiện tượng sụt lún, sạt lở bờ sông.
Thứ tư là tình trạng khai thác cát sai phép, trái phép. Cuối cùng là do thủy triều từ biển chảy vào với tốc độ lớn, xâm nhập mặn cũng làm xói mòn bờ sông.
“Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún ở ven sông vùng ĐBSCL” - ông Khánh nói và cho biết để khắc phục tình trạng này, Bộ TN&MT đang thực hiện đánh giá trữ lượng cát sỏi ở lòng sông của vùng ĐBSCL để có kịch bản khai thác cụ thể, đảm bảo an toàn.
Cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát quy hoạch để có hành động ngay với những khu có nguy cơ hoặc nguy cơ cao sạt lở, sụt lún. Chẳng hạn, quy hoạch lại khu dân cư, xử lý lấn chiếm lòng, bờ sông…
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé bày tỏ đồng tình với bốn nguyên nhân gây ra sạt lở, sụt lún ở vùng ĐBSCL mà bộ trưởng Bộ TN&MT nêu. Tuy nhiên, theo bà Bé, còn một nguyên nhân khác chưa được người đứng đầu ngành chỉ ra là vấn đề khai thác nguồn nước ngầm tràn lan, không được quản lý chặt chẽ.
“Thời gian tới cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác nguồn nước ngầm để hạn chế tình trạng sạt lở, sụt lún tại vùng ĐBSCL” - ĐB Bé đề nghị.
Hạn hán, xâm nhập mặn tấn công
ĐB Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nói thời gian qua, tình hình khô hạn, hạn hán kéo dài ở các tỉnh, nhiều vùng “rất phức tạp” và “rất đáng lo lắng”. “Tôi muốn biết giải pháp lớn của bộ trưởng như thế nào đối với vấn đề này trong thời gian tới?” - ĐB Phước đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết việc biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn, rộng khắp cả nước, trong đó có vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung, vùng núi phía Bắc. “Chắc chắn trong những năm tới tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy chúng ta phải chủ động ứng phó, thích ứng với hạn hán, biến đổi khí hậu” - ông Khánh nhấn mạnh.
Về giải pháp cụ thể, bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng trước hết cần triển khai tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định chi tiết. Hoàn thành các quy hoạch, trong đó có quy hoạch các lưu vực sông, điều hòa, điều phối nước hợp lý, sử dụng tối ưu nhất nguồn nước để chống hạn.
Tiếp đó là nâng cao năng lực thông tin chính xác để cảnh báo sớm cho địa phương, người dân, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như mùa vụ liên quan đến từng năm.
Hiện Bộ TN&MT đang tiếp tục nâng cao, tăng cường ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay, kể cả trí tuệ nhân tạo trong phân tích, dự báo, cảnh báo, đặc biệt là kịp thời cảnh báo, thông tin cho các địa phương.
Cuối cùng là xây dựng các kịch bản về nguồn nước. Hiện Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương đảm bảo tích trữ nguồn nước, có biện pháp phòng, chống hạn hán tối ưu, đồng thời chủ động nguồn nước để sản xuất…
Tham gia chất vấn, ĐB Trần Văn Sáu (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nói khi trả lời về vấn đề an ninh nguồn nước, bộ trưởng Bộ TN&MT có đề cập Việt Nam chỉ chủ động được khoảng 40% nguồn nước, 60% lệ thuộc vào nước ngoài.
Dù đồng tình với nhận định này nhưng ĐB Sáu dẫn thêm số liệu (do chuyên gia cung cấp) là lượng nước đổ về vùng ĐBSCL những tháng mùa hạn là 60-70 tỉ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ cần khoảng 15 tỉ m3.
“Vậy thì nước không thiếu nhưng vì sao chúng ta để người dân thiếu nước, thiếu tới mức chúng ta phải tổ chức cứu trợ?” - ĐB Sáu chất vấn và đề nghị bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm cũng như cam kết của mình về vấn đề này.
Về câu hỏi này, ông Đặng Quốc Khánh cho hay mùa hạn năm nay có hiện tượng El Niño dẫn đến thiếu nước cục bộ ở một khu vực. Tiền Giang và một số tỉnh đã rất chủ động trong việc cung cấp nước bù cho người dân và có cả trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ ông là người vùng ĐBSCL nên cảm nhận rất rõ, hằng ngày đối với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún tại đây.
Ông Hoan cho hay vừa rồi Thủ tướng có thị sát trực tiếp tại vùng ĐBSCL và giao cho Bộ NN&PTNT chuẩn bị từ nay đến tháng 9 phải trình một đề án tổng thể, chiến lược để giải quyết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại đây. Hiện đề án này đang được lấy ý kiến của các chuyên gia và các địa phương.
“Thế giới đánh giá toàn cầu đang ở kỷ nguyên khô hạn, trong đó Việt Nam là một trong sáu quốc gia bị tổn thương nhất” - ông Hoan nói và cho biết từ trước đến nay Việt Nam chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, mặc dù chúng ta nói là tài nguyên nước. Điều này dẫn đến coi nước là vô hạn, trong khi nó thực sự là tài nguyên hữu hạn.
“Có lẽ đến giờ này, chúng ta cũng phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân vùng ĐBSCL và cả nước rằng chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà sẽ ngày càng khan hiếm hơn…” - ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL các công trình chống xâm nhập mặn, trữ nước ngọt. Cùng với đó là cấu trúc lại không gian sống cho người dân với chiến lược dài hạn để ứng phó với tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông.
*****
Phó Thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ:
Việt Nam không xuất khẩu đất hiếm thô
Trước đây, việc quản lý mỏ vật liệu xây dựng được phân cấp cho địa phương và do có những vướng mắc về quy trình, thủ tục nên việc khai thác nguồn vật liệu san lấp làm đường bị chậm trễ. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về cơ chế đặc thù nên vấn đề này đã được tháo gỡ theo hướng đơn giản hóa thủ tục.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, địa phương triển khai ba giải pháp cụ thể để khắc phục.
Thứ nhất, Bộ GTVT đang nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật… đối với việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp.
Thứ hai, Nghị định 157/2024 quy định với nguồn cát tại các cảng biển nội thủy, sông ngòi, kênh rạch có thể giao cho địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, sử dụng.
Thứ ba, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung các nguồn khác như đá xay, cát, sỏi nhập từ Campuchia.
Liên quan đến đất hiếm, theo đánh giá của Cục Địa chất Mỹ thì Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chiếm khoảng 18% trữ lượng toàn cầu, gồm hai loại đất hiếm nặng và đất hiếm nhẹ. Tuy nhiên, để chuyển đổi nguồn tài nguyên này thành các nguyên tố có giá trị lại phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ khai thác, chế biến.
Chính phủ đã chỉ đạo đánh giá lại toàn bộ trữ lượng và thành phần các loại đất hiếm, đồng thời xác định nguyên tắc dựa vào thị trường để khai thác, đáp ứng công nghệ để tuyển chọn được 99%, không xuất khẩu thô.
------
Bộ trưởng Bộ TN&MT ĐẶNG QUỐC KHÁNH:
Giải pháp cứu các “dòng sông chết”
Luật Tài nguyên nước có nội dung về phục hồi các “dòng sông chết”. Hiện nay, các dòng sông như Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, Cầu... thực chất đang bị ô nhiễm nặng, còn “dòng sông chết” là dòng sông vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. Bộ TN&MT cùng các địa phương “cũng tích cực” nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu, vì các khu công nghiệp liên tục xả thải, các đô thị lớn như Hà Nội cũng xả thải vào sông Bắc Hưng Hải, sông Đáy.
Dự kiến tới đây, khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7, Bộ TN&MT sẽ đề xuất với Thủ tướng thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông, gắn trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ, ngành…
Vừa qua, Bộ TN&MT phối hợp rất tốt với địa phương, Bộ Công an kiểm tra và xử lý thật nghiêm những hành vi cố tình xả thải ra môi trường hoặc có hệ thống xả thải nhưng chất lượng không đạt yêu cầu.
Có một thực tế là các dòng sông đang ngày càng bị ô nhiễm mà nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt, nước thải cụm công nghiệp làng nghề... Cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát, đồng thời có dự án nạo vét, khơi thông để tạo dòng chảy nhằm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, người dân trong việc bảo vệ các dòng sông.
------
Bộ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ:
Bốn biện pháp giải bài toán ngập úng ở các đô thị
Hiện trạng tình trạng ngập úng tại các đô thị bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Thứ hai, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao. Việc san lấp ao hồ, kênh rạch cũng dẫn đến diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa, dẫn đến khả năng thoát nước, tiêu thoát nước tự nhiên hay khả năng thẩm thấu tự nhiên bị giảm xuống.
Thứ ba, công tác quy hoạch chưa đảm bảo trong công tác dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị. Thứ tư là việc triển khai thực hiện quy hoạch và công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ năm là do ý thức của người dân cũng như do tình trạng rác thải dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước…
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải; tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp, thoát nước… Cùng với đó là nâng cao chất lượng lọc, quản lý, quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị.
Chúng tôi cũng tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.
Cuối cùng là rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai quy hoạch cũng như triển khai quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, cấp, thoát nước thải đô thị…