Trưa 30-10, thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh quân khu V, cho biết quân đội đã đưa chó nghiệp vụ vào phát huy hiệu quả trong việc tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở ở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Do sạt lở đất quá mạnh nên có đến 20 người chết và mất tích. Hiện vẫn còn 12 người chưa tìm thấy.
Cậu học sinh có 8 người thân mất tích
Hơn 500 người, máy móc đào bới từng lớp bùn đất. Trên bờ suối giáp rừng, hàng chục người thân của nạn nhân ngồi hướng mắt về đống đổ nát với hi vọng mong manh.
Ngôi làng với nhà cửa san sát, bây giờ nằm dưới lớp bùn đất. Ảnh: HẢI HIẾU
Họ, có những người vừa thoát chết trong gang tất và những người vừa rời khỏi nhà nên thoát nạn. Có những người đi làm, đi học xa vừa mới kịp về đến làng. Nhưng ai cũng chung một nỗi đau, ngồi tụm lại tại gốc sân dưới một quả đồi, thẫn thờ.
Em Lê Thanh Tú đứng không vững phải dựa vào vai thầy mình, khóc nức nở. Em vừa được anh Hồ Văn Việt (thầy giáo của Tú, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My) dẫn về trong sáng nay cùng 5 học sinh khác. Tất cả đều có người thân là nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng này.
Tú là con trai của Bí thư xã Lê Hoàng Việt. Ông Việt cũng đang mất tích chưa tìm được. 8 người thân của Tú đang mất tích. Mọi người vẫn đang bới lớp bùn đất ngổn ngang cây gỗ, tường gạch tìm họ.
Em Tú không đứng vững phải tựa vào vai thầy mình theo dõi việc tìm kiếm người thân. Ảnh: TỰ SANG
Đứng ôm người học trò nhỏ, thầy Việt cho biết xem báo đài nên biết tin tại thôn 1 bị sạt lở vùi lấp. Cả trường ai cũng đau buồn, thôn này có 6 em là học sinh của trường, trong đó 4 em có người thân mất và mất tích nên tôi xin nhà trường đến dẫn các em về.
“Các thầy cô và mọi người luôn bên cạnh em!”, thầy Việt ôm chặt, dỗ dành cậu thiếu niên là học sinh ngoan hiền của trường.
Theo thầy Việt, cha, cậu, mợ, dì, dượng, cháu và hai em của Tú vẫn chưa tìm thấy. Mẹ em là người thoát nạn nhưng đang bị thương, vẫn còn được điều trị ở bệnh viện. Em nhờ người thân chăm sóc mẹ để về đây, cầu mong những tia hi vọng dù là mong manh.
Nhiều lần khóc nức nở, chị Hòa ngồi thẩn thờ với đôi mắt đỏ hoe. Ảnh: HẢI HIẾU
Cạnh đó, hình ảnh của chị Hồ Thị Hòa khiến lực lượng tìm kiếm nhói lòng nhất. Chị ngồi khóc tức tưởi. Hôm bị nạn, Hòa đi công việc ở TP Tam Kỳ, nghe tin bão nên quay lại nhà người thân tại đây. Hòa có ba, má, con, em ruột bị chôn vùi.
“Em không còn hi vọng gì nữa, những người thân nhất của em đang nằm dưới đó, chắc họ lạnh lắm”, Hòa nấc nghẹn.
Gào khóc, gọi tên mẹ suốt đêm
Khuya 29-10, trời Trà Leng tối mịt, tiếng khóc tức tưởi của cô gái cứ văng vẳng, phá vỡ không gian tĩnh lặng, kéo theo sự thê lương não nề. Kiều - cô gái có mẹ chưa được tìm thấy, tay cứ úp vào mặt và khóc.
Kiều lớn lên ở làng này, cha mất sớm, em chỉ có mẹ là người thân, hai người nương tựa nhau giữa rừng thiêng nước độc. Thương mẹ, Kiều không xuống trường nội trú ở lại đi học nên nghỉ. Muốn bương chải ở vùng núi rừng này chỉ có những việc nặng như làm rẫy, bóc vỏ keo. Sau nhiều lần đắng đo, em quyết định xuống TP Tam Kỳ học nghề hớt tóc mong có việc làm ổn định, giúp đỡ mẹ. Em mong sau khi ra nghề, làm việc sẽ có tiền xây cho mẹ một căn nhà khang trang.
Sáng 28-10, em gọi điện về cho mẹ dặn dò rất kỹ vì nhà xiêu trước, dột sau. Bão vào, Kiều không gọi được cho mẹ, linh tính của em nghĩ có chuyện chẳng lành. Nhưng em vẫn tự trấn an, chắc bão vào nên mất điện, mất sóng điện thoại. Tối hôm đó, em lên mạng đọc báo, thấy thông tin làng mình bị sạt lở. Kiều tức tốc đi xe máy một mình về trong đêm.
“Em biết, mưa bão đi xe máy rất nguy hiểm nhưng người thân của em chỉ có mẹ. Em nghĩ về mà cứu được thì em sẵn sàng hi sinh thân mình”, Kiều nói.
Trong bóng đêm, mặc cho nhiều người ngồi cạnh, Kiều vẫn cứ khóc thành tiếng. Ảnh: HẢI HIẾU
Cô gái đi xe máy vượt qua đoạn đường gần 60 km giữa trời tối đen như mực. Thế nhưng, em chỉ đến được đoạn đập chính của thủy điện Sông Tranh là bị tắc đường vì sạt lở, bít lối đi. Kiều ngồi bệt xuống giữa đường, khóc thét.
Đến sáng, mặc dù đường chưa thông, em đã xuống nhờ ghe đi bằng đường thủy mong được về nhà. Nhưng ghe chỉ chạy được một đoạn, muốn đến nhà thì còn 15 km nữa. Kiều quyết định đi bộ.
Gần 2 giờ đi bộ, vượt qua nhiều điểm sạt lở, em cũng về đến làng. Nhưng làng em không còn những ngôi nhà thân thương, mà trước mặt em toàn bùn đất, mọi người đang tìm kiếm người mất tích. Em gào khóc, lao đến vị trí nhà mình bới móc bùn đất. Tối đến, Kiều vẫn chưa tìm thấy mẹ, nhưng mọi người đã ngưng tìm kiếm.
Tuy nhiên, cô gái với bàn tay nhỏ nhắn vẫn cố bới móc, dở từng khúc gỗ, cục đá. Bàn tay em bỏng rát, đỏ choét.
“Em chỉ có mẹ là người thân, mẹ chết rồi em sống với ai. Chắc mẹ giờ lạnh lắm, mẹ ơi...”, Kiều khóc lớn.
Chó nghiệp vụ được điều thêm đến hiện trường để hỗ trợ cho công tác tìm kiếm được nhanh chóng. Ảnh: HẢI HIẾU
Danh sách những nạn nhân đã tìm được thi thể: Hồ Văn Hùng, Hồ Thị Mai, Hồ Văn Thanh, Hồ Thị Đức, Hồ Văn Công, Hồ Viết Mười, Lê Công Huy, Nguyễn Thị Tường Vy. Danh sách 14 người còn mất tích: Lê Hoàng Việt, A Rất Hà, Hồ A rất Thái Hữu, Hồ Thị Thắm, Hồ Quang Tuyền, Hồ Thị Ân, Trần Cao Nam, Trần Văn Tăng, Võ Ngọc Vinh, Nguyễn Thị Lệ Xoan, Nguyễn Thị Mai Khiếu, Nguyễn Văn Khuê, Hồ Thị Mai Ly, Hồ Thị Then. |