Sau 30 tuổi nộp đơn xin việc: Có thực sự thất bại?

(PLO)- Nhiều cuộc tranh luận nổ ra trước quan điểm của một bài viết trên mạng xã hội khi cho rằng “sau 30 hoặc 35 tuổi mà còn gửi hồ sơ đi xin việc là một sự thất bại".

Trong bài viết mới được chia sẻ gần đây của một CEO của một công ty tại Việt Nam có nội dung gây tranh cãi, dù sau đó, vị CEO này đã rút bài và có lời xin lỗi cộng đồng mạng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được bàn tán khá nôi nổi trên các trang mạng xã hội.

“Thiên kiến” trong tuyển dụng vẫn diễn ra ở một số doanh nghiệp

Tài khoản Thành Phan bộc bạch: “Việt Nam đang tiến dần tới xã hội già, sẽ tới lúc nhân sự trẻ thay thế không đủ vì vậy, việc tuyển dụng nhân sự phù hợp không phân biệt tuổi tác cần được các công ty đưa thành chiến lược tuyển dụng. Tôi cũng không nghĩ việc trên 30 tuổi mà không trở thành quản lý là điều gì thất bại vì rất nhiều công việc cần tới người làm tốt chuyên môn hơn. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều chính sách can thiệp hỗ trợ người lao động trên 35 tuổi dễ dàng tìm việc hơn”.

Tài khoản Thuý Vy bày tỏ: “Có một vấn đề mà tôi nhận thấy là việc phụ nữ đã lập gia đình hoặc có con, cho dù ở độ tuổi còn trẻ vẫn có khả năng bị doanh nghiệp e ngại khi họ ứng tuyển. Hoặc tuyển thực tập sinh nhưng yêu cầu các bạn đã có kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp khác trước đó. Điều đáng buồn là những quan điểm như vậy đã giới hạn cơ hội việc làm và phát triển của nhiều người dù doanh nghiệp chưa đi đến bước trao đổi cùng ứng viên để xem họ có thật sự không phù hợp hay không”.

“Không cần 30-35 đâu ạ, bằng tuổi mình cỡ 23-26 hay gặp nhiều chỗ kiểu “Nếu em lập gia đình rồi thì không ổn lắm đâu, vì không đảm bảo được công việc”. Trong khi người tuyển dụng cũng cùng là nhân sự làm công ăn lương, cũng có chồng, có vợ hoặc con, nếu thấy việc lập gia đình “không đảm bảo” sao vẫn “xin” đi làm. Nên nếu đi xin việc mà đã lập gia đình hay có con cái là kỳ thị ác luôn” - tài khoản Phong Trần chia sẻ.

Bạn đọc tranh cãi về vấn đề sau 30 tuổi nộp đơn xin việc. Ảnh: TRẦN MINH

Nếu không “chủ động" tìm việc mới là một sự thất bại

Bạn đọc Ngọc Mai nêu quan điểm: “Tư duy ở đây vẫn là rải CV = “xin” việc nên rải CV là chấp nhận mình ở thế dưới, thế đi xin xỏ. Còn tôi thì gửi CV là cho mình cơ hội tìm công việc mình thích và cho doanh nghiệp cơ hội có được mình. Không dám gửi CV mà chỉ ngồi chờ người nào đó gửi cho công việc mà họ nghĩ là phù hợp với mình mới là sự thất bại á”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tuấn Nguyễn phân tích: “Theo tôi, chỉ có một số nhỏ công ty tuyển dụng cho một vài vị trí mới sử dụng headhunter (người giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được ứng viên tiềm năng cho vị trí cần tuyển) vì headhunt services (dịch vụ săn ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp) không hề rẻ nên ngồi chờ headhunter tìm đến mình là tự giới hạn bản thân mình rồi. Đời tôi đi làm vẫn thấy mấy công việc mà headhunter gửi không hay bằng công việc tôi tự kiếm hoặc người quen giới thiệu nha”.

Tài khoản Thanh Trần bình luận: “Bây giờ, giữa một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt không ai có nhu cầu biết đến mình nếu mình không giới thiệu bản thân. Hơn nữa, đời người nhiều giai đoạn, xã hội nhiều biến động, đột nhiên sau 30 tuổi nộp đơn xin việc vì cảm thấy muốn thay đổi lĩnh vực, muốn khám phá bản thân, thì CV là nhịp cầu hữu hiệu để kết nối với môi trường mới. Nói chung là cứ cởi mở với mọi yếu tố tích cực. Bao nhiêu tuổi xin việc cũng được miễn sao không thất nghiệp ở nhà ăn bám người khác là được".

Theo Top CV (công ty công nghệ cung cấp Nền tảng Kết nối cơ hội việc làm hàng đầu tại Việt Nam), quá trình tuyển dụng nhân tài, tiêu chí đánh giá ứng viên được mỗi doanh nghiệp đặc biệt chú trọng.

Đây cũng là căn cứ để nhà tuyển dụng chọn ra những ứng viên ưu tú, phù hợp với vị trí công việc. Những tiêu chí đó bao gồm: Năng lực làm việc (kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn, khả năng thích ứng), thái độ làm việc (sự tự tin, biết lắng nghe, tinh thần ham học hỏi, trung thực), bằng cấp hay chứng chỉ liên quan đến công việc đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới