Sau bão số 3 hai tuần, rốn lũ của Hà Nội vẫn ngập gần áp mái nhà

(PLO)- Sau hai tuần kể từ khi bão số 3 đổ bộ, một số thôn của rốn lũ Hà Nội ở huyện Chương Mỹ vẫn ngập sâu, có nơi gần áp mái nhà, người dân vẫn phải đi sơ tán…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ (thuộc xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ) vốn là rốn lũ của Hà Nội.

Khu vực này vốn là khu vực trũng và là vùng phân lũ của hệ thống các con sông Bùi, sông Tích và sông Đáy.

ron-lu-cua-Ha-Noi-3.JPG
Rốn lũ của Hà Nội - các thôn Nam Hài, Hạnh Bồ, Nhân Lý (thuộc xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) bị ngập trắng nước, đường xá bị chia cắt, nhà cửa làng xóm bị cô lập. (Ảnh: Trọng Phú)

Nhà vẫn ngập sâu

Mỗi khi lũ rừng ngang (từ Hoà Bình, vùng đồi núi Ba Vì…) ập về, tràn qua đê sông Đáy là khu vực ba thôn này lại chìm trong biển nước. Nhấn đường xá, đồng ruộng, vườn tược, nhà cửa… trong nước.

Thậm chí khi lũ rút rồi, khu vực rốn lũ của Hà Nội này vẫn ngập thêm 1-2 ngày vì còn chờ hệ thống bơm tiêu thoát nước ra sông Đáy.

ron-lu-cua-Ha-Noi-5.JPG
Có nơi nước lũ ngập sát mái nhà (Ảnh: Trọng Phú)
ron-lu-cua-Ha-Noi-4.JPG
ron-lu-cua-Ha-Noi-2.JPG
Mồ mả của người đã khuất, lẫn nhà của của người sống đều bị nước lũ nhấn chìm. (Ảnh: Trọng Phú)

“Đây là trận lũ thứ 2 của năm nay rồi. Trận lũ tháng 8, bà con chúng tôi phải sống trong cảnh nước ngập nhà cửa, không điện, không nước sạch 17 ngày. Trận này thì kéo dài từ khi bão số 3 đổ bộ đến nay, kéo dài cũng 2 tuần rồi. Tôi năm nay 70 tuổi, mà chưa bao giờ chứng kiến hơn 1 tháng trời bị dính hai trận lụt liên tiếp thế này cả” – Ông Bùi Ngọc Bân, một người dân thôn Nam Hài cho hay.

Ông Bân cho biết trận lụt sau bão số 3 tại địa phương cũng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1971 khoảng 30 cm, và cao hơn các trận lũ năm 2008 và 2018 rất nhiều.

ron-lu-cua-Ha-Noi-1.JPG
Trường THCS Nam Phương Tiến A bị ngập, học sinh phải nghỉ học. (Ảnh: Trọng Phú)

“Trận lũ năm 1971, họ xả lũ ở đập Phùng, nước chảy ngược từ Ba Thá về nhấn chìm nhà cửa hai tháng. Trận lụt này mức nước cao hơn trận lụt năm 1971, đồng thời có điểm tương tự trận lụt 1971 là nước rút rất chậm, hai tuần qua mới rút được khoảng 1 m nước, trung bình mỗi ngày rút khoảng 5-7 cm” – ông Bân nói và nhận định lụt lội sẽ kéo dài nhiều ngày nữa.

Do đường xá, nhà cửa, đồng ruộng bị nước lũ nhấn chìm, cô lập nên đa phần người dân của các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ phải sơ tán ra nhà người quen, hoặc chỗ tránh lũ do chính quyền bố trí.

Thiệt hại nặng do “lũ chồng lũ”

Ghi nhận của PLO vào ngày 21-9, cho thấy chỉ có một số thuộc thôn Nam Hài là có điện trở lại từ ngày 20-9, còn lại đa phần các hộ bị ngập của các thôn đều chưa có điện trở lại.

Đường xá bị ngập, kèm thêm rác rùa ùn ứ, xác gia súc, gia cầm chết… bốc ra mùi hôi, tanh nồng.

ron-lu-cua-Ha-Noi-10.jpg
Đường xá bị ngập trong nước, mọi hoạt động đi lại của người dân phải sử dụng thuyền, xuồng, bè... (Ảnh: Trọng Phú)
ron-lu-cua-Ha-Noi-8.jpg
ron-lu-cua-Ha-Noi-7.jpg

Trường cấp hai bị ngập khiến học sinh trong các thôn phải chuyển sang khu B (khu dân cư cao hơn của xã Nam Phương Tiến) để tạm trú, học tập. Mọi hoạt động đi lại của người dân đều phải dùng thuyền, bè, phao tự chế…

Anh Nguyễn Bá Hoàng, một người dân thôn Nhân Lý cho biết gia đình anh phải di dời ra nhà người quen ở xã Tân Tiến (giáp với xã Nam Phương Tiến, thuộc huyện Chương Mỹ).

ron-lu-cua-Ha-Noi-6.jpg
Xe lội nước tự chế của người dân thôn Nam Hài (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) được huy động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. (Ảnh: Trọng Phú)

Hàng ngày anh vẫn đi nhờ thuyền về nhà để kiểm tra nhà cửa. “Hôm trước (ngày 19-9) tôi lội nước trước cửa để vào nhà thì nước đến ngực, hôm qua (ngày 20-9) thì nước rút một chút, đến hôm nay (21-9) thì chả thấy rút xuống chút nào. Chắc do trận mưa rạng sáng nay to quá, nước lại tràn về rồi, không biết bao giờ lũ rút nữa…” – anh Hoàng nói.

ron-lu-cua-Ha-Noi-9.jpg
Từ tháng 8 đến nay, người dân thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phải đối mặt hai trận lũ kéo (đều kéo dài từ 2-3 tuần/1 trận). (Ảnh: Trọng Phú)

Mặc dù là người dân vùng lũ, thường xuyên phải đối mặt và có kinh nghiệm ứng phó với lũ lụt, nhưng ở trận lụt này phần lớn người dân ở các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ đều gặp thiệt hại lớn do gặp “lũ chồng lũ”.

“Hai trận lụt quá gần nhau, chỉ trong vòng 1 tháng hai trận lũ liên tiếp kéo đến, lũ sau cao hơn lũ trước. Ai cũng nghĩ hết lũ rồi, nên chủ quan không kê cao thêm đồ đạc. Nhà tôi tủ lạnh, máy giặt, bếp, máy móc làm nghề bị ngập sạch… Thiệt hại chưa tính hết được” – anh Hoàng nói.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội cho hay theo dự báo thời tiết do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, trên địa bàn Hà Nội có mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 60-120 mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, những giờ tới, lũ trên các sông Tích, Bùi tiếp tục xuống chậm, mỗi ngày rút khoảng 5 cm. Sau đêm nay, lũ trên các sông Tích, Bùi lên trở lại.

Theo đó, các quận huyện liên quan cần tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt mưa bão số 3, đồng tổ chức kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Mưa lớn kèm ảnh hưởng của bão số 3, khiến nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội đến nay vẫn bị ngập lụt. Trong đó, huyện Chương Mỹ bị ngập nặng nhất. Đến ngày 21-9, huyện này vẫn còn hơn 50 thôn, xóm bị ngập với gần 5.100 hộ dân, gần 23.000 người bị ảnh hưởng, tập trung ở các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tốt Động, Văn Võ, thị trấn Xuân Mai.

Huyện Chương Mỹ đã sơ tán gần 2.100 hộ với gần 8.800 người đến nơi an toàn và hiện duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến.

Ngoài ra, mưa lũ cũng ngập lụt một số khu vực và gây ảnh hưởng tới các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hoà…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm