Sâu đậu gây chết người

Tất cả các trường hợp này đều có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiểu ra máu, thở gấp… trước khi được đưa đi cấp cứu. Do đặc điểm của sâu đậu rất giống với bọ xít nên người dân dễ nhầm tưởng khi ăn những loại thức ăn được chế biến từ động vật này.

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, sâu đậu (thường sống trên thân cây đậu nên còn được gọi tên như vậy) là một loại dược liệu trong Đông y nhưng do độc tố trong cơ thể rất cao nên thường ít được sử dụng. Hình dáng bên ngoài và mùi hôi rất giống bọ xít nhưng sâu đậu có cánh cứng hơn và thân có sọc vàng đen hoặc đỏ đen, khi chạm vào nó tiết ra nước bỏng gây rộp da. Theo các sách y học cổ truyền, trong cơ thể của sâu đậu có một số thành phần hóa học như acid uric, cantharidin (là hoạt chất gây phồng da) được xếp vào nhóm độc bảng A. Công dụng của nó dùng để giải độc. Ngoài ra còn kết hợp với một số dược liệu khác để chữa trị bệnh lậu, giang mai, mụt nhọt, giải độc chó dại… Cách dùng phổ biến nhất là bào chế thành thuốc bột hoặc chiết xuất thành cồn để bôi ngoài da, ít có khuyến cáo dùng để uống. Loại thuốc này kiêng kỵ đối với phụ nữ mang thai và cơ thể yếu. Vì đây là loại thuốc độc nên khi dùng phải theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Dược sĩ Hà Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cũng cho rằng do sâu đậu là loài động vật có độc rất nguy hiểm nên Viện Y Dược học dân tộc cũng không dùng loại dược liệu này để bào chế thuốc. Về liều lượng cũng như cách sử dụng loại thuốc điều chế từ sâu đậu phải do các thầy thuốc chỉ định, không được tự ý sử dụng. Nếu dùng thuốc từ sâu đậu với liều cao 3-4 g bột hoặc 20-30 g cồn được chiết xuất từ loại sâu này là có thể gây chết người. Biểu hiện ban đầu thường thấy ở bệnh nhân bị trúng độc sâu này là rối loạn tiêu hóa, thở gấp có thể gây phồng rộp dạ dày, ruột, tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương lên, đau đớn… Những biểu hiện này cũng có thể gặp khi dùng để thoa ngoài da. Sau đó bệnh nhân có những rối loạn về thần kinh, rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong. Do có triệu chứng của sự cương dương khi dùng thuốc nên nhiều người nhầm tưởng đây là loại “thần dược” giúp cường dương nếu sử dụng sẽ rất nguy hiểm.

H.VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm