Sau đứt cáp cầu Nguyễn Hữu Cảnh, phát hiện nhiều hư hỏng khác

(PLO)- Ban giao thông sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, hoàn chỉnh phương án để thẩm định phê duyệt, thi công khôi phục kết cấu cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị đứt cáp ngầm nhịp chính, các cơ quan chức năng đã khảo sát, đo đạc các thông số chính như trắc dọc, độ võng nhịp dầm chính, khe hở giữa các đầu dầm nhịp chính.

Báo cáo sau cuộc khảo sát cho thấy tổng độ võng cầu lớn hơn nhiều so với mức cho phép, chuyển vị ngang cũng đã gấp đôi mức cho phép.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hiện cấm các xe lưu thông để phục vụ sửa chữa cầu. Ảnh: KC

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hiện cấm các xe lưu thông để phục vụ sửa chữa cầu. Ảnh: KC

Độ võng, chuyển vị cầu vượt mức cho phép

“Ngày 28-9, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông), Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Tư vấn Tedi đã tham gia đi khảo sát, đo đạc hiện trạng công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh” - báo cáo do ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, ký gửi Sở GTVT TP ngày 29-9 cho biết.

Theo đó, qua kết quả đo đạc, Ban giao thông nhận thấy độ võng lớn nhất tại nhịp dầm chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh theo hướng từ cầu Sài Gòn đi quận 1 như sau: Vị trí biên phải là 22,2 cm; vị trí tim cầu là 17,4 cm; vị trí biên trái là 18,6 cm.

“Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng hoàn thành từ năm 2002 (đã 20 năm khai thác), có qua kỳ duy tu, sửa chữa gần đây nhất là năm 2017. Đến nay, tổng độ võng từ 17,4 cm đến 22,2 cm là lớn hơn nhiều so với độ võng cho phép” - văn bản của Ban giao thông thông tin.

Với độ võng nêu trên, theo sơ đồ tính toán phần tử hữu hạn (như tư vấn báo cáo) thì chuyển vị ngang tương ứng là 7,2 cm, vượt quá chuyển vị cho phép (3,8 cm).

Ngoài ra, khe hở giữa đầu nhịp chính và đầu nhịp dầm kế bên là sát với nhau. Theo kết quả đo đạc của Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật đường bộ tại báo cáo Sở GTVT (ngày 20-9) thì đầu dầm nhịp chính và nhịp cầu bản gần kề đã tách ra khỏi gối cầu.

Tại buổi khảo sát ngày 28-9, các bên chưa thể nhận định được do chưa kịp chuẩn bị giàn giáo để trèo lên quan sát, đo đạc, đánh giá.

Ban giao thông đề xuất dùng các cáp dự ứng lực tạm để căng giữ hai bệ trụ của nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Căng cáp tạm để chống chuyển vị bất lợi

Theo Ban giao thông, nhằm hạn chế, giữ cho kết cấu công trình không chuyển vị theo hướng bất lợi, khó lường, sau khi xem xét phương án đề xuất của Tư vấn Tedi, Ban giao thông đề xuất dùng các cáp dự ứng lực tạm để căng giữ hai bệ trụ của nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Đồng thời dùng hệ giàn giáo định hình chống đỡ nhịp chính, đặt trên mặt đường bê tông nhựa hiện hữu sau khi đã được rải các tấm tôn để phân bố lực lên mặt đường. Bên cạnh đó, theo dõi chuyển vị hệ dầm, khung chống sau khi đã chống đỡ nhịp cầu chính.

Trong thời gian thực hiện căng cáp tạm và chống đỡ nhịp dầm để giữ hạn chế chuyển vị theo hướng bất lợi, Ban giao thông sẽ tổ chức cùng Tư vấn Tedi, đơn vị khảo sát và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, hoàn chỉnh phương án để thẩm định, phê duyệt, thi công khôi phục kết cấu công trình.

Tiến độ kế hoạch dự kiến tổ chức thực hiện tổng cộng là 45 ngày, chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: 10 ngày, tổ chức giao thông theo phương án cấm người, xe qua cầu và dưới dạ cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Giai đoạn này sẽ thi công khoan lỗ, lắp đặt hệ thép hình giữ neo cáp tạm; thi công lắp đặt cáp, căng kéo cáp tạm; lắp dựng hệ giàn giáo chống đỡ hệ dầm nhịp chính.

Giai đoạn 2: Khôi phục hệ thống cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trong 35 ngày. Công tác chuẩn bị: Thu thập tài liệu, hồ sơ, đo đạc, kiểm tra, đánh giá. Sau đó lập phương án sửa chữa chi tiết (bao gồm báo cáo các bên dự họp góp ý, hoàn chỉnh hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt).

Tiếp theo là tổ chức thi công khôi phục: Đào đất phía sau hai bệ trụ của nhịp chính; khoan cấy thép vào bệ trụ, lắp cốt thép; đổ bê tông mở rộng bệ trụ để bố trí ụ neo cáp chính. Chờ bê tông đủ cường độ (dùng phụ gia bảy ngày) sẽ thi công lắp đặt cáp, căng kéo cáp chính, thu dọn hoàn trả mặt bằng.•

Đang cấm tất cả xe lưu thông qua cầu

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), có tổng chiều dài 618,29 m; bề rộng toàn cầu là 12,7 m. Cầu được xây dựng vào năm 2001. Trụ cầu nhịp chính dài 55,5 m, dạng chân xiên bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên hệ cọc khoan nhồi. Trụ cầu nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép đặt trên hệ cọc khoan nhồi.

Khoảng giữa tháng 9, cơ quan chức năng phát hiện cầu bị đứt cáp dự ứng lực ngầm, vị trí đứt có cống hộp 2x2 m của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đi ngang qua (dự án này đã hoàn thành vào ngày 30-4-2021).

Ngay sau đó, cơ quan chức năng cấm xe tải, xe trên 16 chỗ lưu thông qua cầu. Đến ngày 29-9, sau khi cơ quan chức năng khảo sát, đo đạc các thông số của cầu thì ra quyết định cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm