Sau Tết: Đi máy bay cũng khổ!

Máy bay trễ chuyến đến gần 14 tiếng. Đó là tình trạng éo le mà nhiều hành khách của Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific phải chịu trong ngày 2 và rạng sáng 3-2.

Giờ bay: Trưa chuyển sang khuya!

Tại sân bay quốc tế Nội Bài, theo dự kiến chuyến bay BL 8795 Hà Nội - Sài Gòn sẽ cất cánh vào lúc 13 giờ 5 phút chiều 2-2. Trước đó, từ khoảng rạng sáng 2-2, một số hành khách trên chuyến bay này đã nhận được tin nhắn thông báo giờ bay mới là 2 giờ 10 phút ngày 3-2. Như vậy, giờ bay lùi lại đến gần 13 tiếng đồng hồ, lại chuyển vào ban đêm nên rất khó cho việc đi lại đối với những hành khách ở các tỉnh xa. Mặc dù theo thông báo hơn 2 giờ sáng 3-2, chuyến bay mới cất cánh nhưng tại phòng chờ máy bay, từ tối 2-2, các hành khách đã đến và nằm trên những dãy ghế chờ khởi hành. Cá biệt có những hành khách không nhận được thông báo (trong đó có phóng viên) đã đến đúng giờ bay cũ nên cũng phải nằm chờ. Các dãy ghế, các bàn ăn tại những quầy ăn nhanh ở phòng chờ được hành khách chiếm dụng làm chỗ ngủ.

Một nữ hành khách từ Tuyên Quang cùng đi trên chuyến bay lúc hơn 2 giờ 10 phút sáng 3-2 với phóng viên bức xúc nói: “Theo lịch trình, 8 giờ tối chuyến bay của tôi cất cánh. Khoảng 7 giờ, gia đình tôi đã có mặt nhưng khi đến nơi thì mới biết là thay đổi giờ bay vào rạng sáng. Nhân viên của hãng này giải thích đã cố liên hệ với tôi nhưng không được trong khi tôi không thấy cuộc gọi nhỡ nào”.

Trường hợp anh Nguyễn Tiến Đôn - nhân viên dầu khí tại Vũng Tàu còn éo le hơn. Giờ cất cánh chuyến bay phải là 13 giờ 5 phút trưa nhưng phải đến 13 giờ 6 phút thì anh mới nhận được tin nhắn thông báo đổi giờ bay. “Giờ bay bị trễ quá nhiều. Tôi không chỉ thiệt hại về tinh thần, phải chờ đợi rồi đi một giờ bay hết sức oái oăm mà tôi còn bị thiệt hại về thời gian rất lớn. Tôi làm công ty nước ngoài, họ rất nghiêm khắc về giờ giấc”. Cận giờ bay, nhân viên thông báo hai chuyến bay trong rạng sáng đều phải dời lại thêm khoảng 40 phút nữa. Nghe vậy, nhiều tiếng “ồ” ngạc nhiên vang lên chen lẫn với những tiếng thở dài của các hành khách.

Bồi thường 300 ngàn đồng/hành khách

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Hoài Nam - đại diện Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific khẳng định mỗi ngày trung bình hãng này phải trễ ba chuyến và lùi lại thời gian bay suốt từ ngày 22-1 đến hết hôm qua (3-2). Như vậy, có đến hàng chục chuyến bay bị trễ chuyến. Ông Nam giải thích: “Chúng tôi không hủy chuyến bay mà do sự cố kỹ thuật, một chiếc máy bay đã bị hỏng và phải đưa ra nước ngoài bảo dưỡng. Theo kế hoạch, máy bay đó phải về trước Tết để phục vụ lịch bay vào dịp trước Tết nhưng do công việc bảo dưỡng bị chậm, phải đến tối 3-2 mới về tới Sài Gòn. Vì vậy, tất cả những chuyến bay được lên kế hoạch để khai thác bằng máy bay đó sẽ không thực hiện được. Để không hủy chuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách, Jetstar Pacific bắt buộc phải sử dụng số lượng máy bay hiện có và phải bay tăng chuyến vào giờ đêm”.

Ông Nam thừa nhận hãng này đã không kiểm soát được ngày về của chiếc máy bay đã từng hư hỏng nên không thông báo sớm cho hành khách. Jetstar Pacific đã có chính sách bồi thường chậm chuyến là 300 ngàn đồng/hành khách bị chậm chuyến bay từ sáu tiếng trở lên. Nếu hành khách chưa nhận được tiền bồi thường thì có thể chủ động liên hệ với sân bay để nhận. Một số hành khách khi làm thủ tục không hề nhận được thông báo hay hướng dẫn gì về tiền bồi thường. Do đó, sau khi về đến TP.HCM, nhiều hành khách đã không biết để đòi khoản tiền bồi thường này.

Mức bồi thường do trễ hoặc hủy chuyến bay

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, hành khách được xác nhận chỗ nhưng không được bay vì các lý do bị chậm hay bị hủy chuyến bay sẽ được bồi thường bằng tiền mặt. Đối với chuyến bay nội địa, mức bồi thường là 100 ngàn đồng/người cho chặng bay có độ dài dưới 500 km, bồi thường 200 ngàn đồng/người đối với chặng bay từ 500 km đến 1.000 km, 300 ngàn đồng/người với chặng bay có độ dài trên 1.000 km.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm