Theo tờ Le Monde của Pháp ngày 2-6, quốc vương Salman của Saudi Arabia đã viết một lá thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Qatar và Nga về thương vụ mua hệ thống vũ khí phòng không hiện đại S-400.
Trong thư, quốc vương Salman nhấn mạnh Doha mua S-400 của Nga sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh của Riyadh, hối thúc Pháp gia tăng sức ép lên Qatar nhằm ngăn nước này mua hệ thống S-400.
Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud của Saudi Arabia. Ảnh: AFP
“Với tình hình như vậy, Vương quốc Saudi Arabia sẵn sàng đưa ra tất cả biện pháp cần thiết để tiêu diệt hệ thống phòng thủ này, trong đó có cả hành động quân sự” - thư nêu rõ.
Lời cảnh báo của quốc vương Salman đưa ra một ngày sau khi Đại sứ Saudi Arabia tại Nga Rayed Krimly cho biết các cuộc đàm phán mua S-400 của Nga giữa Riyadh và Moscow đang diễn biến tốt, nhấn mạnh hai bên đang soạn thảo các chi tiết quy định của hợp đồng. Saudi Arabia đã ký thỏa thuận sơ bộ mua S-400 của Nga trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 10 năm ngoái của quốc vương Salman.
Tháng 7-2017, Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập cùng một loạt quốc gia vùng Vịnh khác đã gần như đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hỗ trợ và cung cấp tài chính cho khủng bố. Doha cũng bị cáo buộc "gây rối" quan hệ nội bộ tại các nước láng giềng và ủng hộ nước thù địch với Saudi Arabia là Iran.
Còn hiện tại, Riyadh được cho là đang lo ngại kế hoạch của Doha sở hữu các hệ thống tên lửa đất đối không uy lực S-400 của Nga sẽ gây nguy hiểm tới "an ninh quốc gia" của các nước láng giềng vùng Vịnh.
Hồi tháng 1-2018, Đại sứ Qatar tại Nga Fahad bin Mohammed al-Attiyah đã lưu ý rằng hai nước đang trong "giai đoạn tiến triển" của cuộc đàm phán mua hệ thống phòng không phức tạp S-400. Thời điểm đó, đại sứ Qatar nhấn mạnh rằng thỏa thuận hợp tác quân sự ký tháng 10-2017 nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Qatar "đã mở ra con đường cho Nga và Qatar hợp tác trong không gian quốc phòng, bao gồm chuyển giao phần cứng, huấn luyện binh sĩ, bảo dưỡng vũ khí, và tất nhiên, hợp tác giữa các cơ quan đặc biệt".
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: AFP
Theo RT, tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf, còn được NATO gọi là "Growler", có thể phát hiện và đánh chặn hầu hết mọi vật thể bay: từ máy bay ném bom chiến lược tới các máy bay tác chiến điện tử, từ máy bay tấn công chiến thuật cho tới các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với mọi kích cỡ và hình dáng. Với tính năng đa nhiệm như vậy, đối thủ duy nhất của S-400 là hệ thống Patriot của Mỹ - vẫn đang được thử nghiệm và sở hữu những tính năng khiêm tốn hơn nhiều.
Trong khi Washington chưa bình luận về việc Qatar mua S-400 của Nga, song Mỹ gần đây đã đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định mua hệ thống S-400 của Nga bảo vệ không phận. Mỹ tiếp tục khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên sử dụng các hệ thống tương thích với công nghệ của NATO và mua chúng từ “các đồng minh”. Các nghị sĩ Mỹ đã tung ra một dự luật tìm cách cấm bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Ankara đang “gia tăng thù địch”.
Các nghị sĩ Mỹ cũng cảnh báo Ấn Độ mua hệ thống quân sự hiện đại S-400 của Nga có thể hủy hoại hợp tác quốc phòng và khả năng chuyển giao công nghệ giữa Washington và New Delhi, yêu cầu nước này suy nghĩ thận trọng về hệ thống vũ khí này. Lầu Năm Góc cũng lo ngại hợp đồng giữa Moskva và New Delhi sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái Predator và lá chắn tên lửa Patriot ra quốc tế của Washington.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo từ Mỹ, Ấn Độ ngày 1-6 khẳng định hợp đồng mua tên lửa S-400 là cần thiết trong bối cảnh không quân Trung Quốc và Pakistan ngày càng được trang bị những vũ khí hiện đại. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang đề nghị quốc hội nước này phê chuẩn việc mua năm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400, tiến tới sớm hoàn tất thỏa thuận đã được thống nhất với Nga, tờ Hindustan Times ngày 1-6 đưa tin. Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga hồi cuối tháng 4 cho biết Moskva nhiều khả năng sẽ ký hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 cho New Delhi trị giá lên đến 5,5 tỉ USD trong năm nay.