“Say rượu bệnh lý” có thoát tội?

còn trong khi gây án, bị cáo bị “cơn loạn thần cấp do say rượu bệnh lý kèm rối loạn ý thức mù mờ và trạng thái ảo giác nhận nhầm chi phối”. Hiện chưa có quy định hay hướng dẫn nào về trường hợp “say rượu bệnh lý” nên khi xử lý, không tránh khỏi lúng túng.

Theo các chuyên gia tâm thần học, “say rượu” (say rượu thông thường) và “say rượu bệnh lý” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau: 

Say rượu thông thường là hậu quả của việc nhiễm độc nhất thời do rượu, xảy ra ở những người uống rượu quá ngưỡng quy định dẫn đến rối loạn ý thức, hành vi, cảm xúc, nhẹ thì còn khả năng nhận xét xung quanh, nặng thì không kiểm soát được hành vi.

Say rượu bệnh lý là trạng thái ngộ độc rượu cấp, hiếm gặp, có thể xảy ra ở những người uống lượng rượu không lớn nhưng quá mức chịu đựng của cơ thể. Say rượu bệnh lý còn có tên gọi khác là “say rượu loạn thần” hoặc “say rượu biến chứng” hay “say rượu dạng động kinh”. Nguyên nhân say rượu bệnh lý là do mệt nhọc, thiếu ngủ, đói ăn, suy kiệt, nóng quá mức, khát quá mức, bệnh nhiễm trùng; lo âu, sợ sệt, căng thẳng hoặc uống rượu sau một chuyến hành trình dài…

Đặc điểm của say rượu bệnh lý phát sinh sau uống rượu không phụ thuộc nhiều vào số lượng và loại rượu uống, rượu chỉ là một tác nhân dẫn đến say, có khi chỉ một lượng nhỏ. Say rượu bệnh lý phối hợp vận động còn tốt, vẫn duy trì được thăng bằng, còn khả năng di chuyển nhanh gây ấn tượng như là người bệnh đã thoát ly khỏi ảnh hưởng chuyên biệt của rượu. Trạng thái say rượu bệnh lý thường kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, đôi khi vài giờ kết thúc bằng ngủ sâu; sau khi ngủ dậy, người bị say trở lại bình thường và nhớ rất rõ những hành động của mình trong thời gian bị “say”. Đây là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt người say rượu bệnh lý với trường hợp say rượu thông thường và với các bệnh tâm thần khác. Nếu trước và sau khi gây án, cũng như trong quá trình điều tra, tại phiên tòa mà người phạm tội vẫn còn nhớ nhớ, quên quên thì không phải là biểu hiện của người bị “say rượu bệnh lý”.

Người say rượu bệnh lý là người khi phát bệnh họ lâm ngay vào rối loạn ý thức trầm trọng, mất định hướng; cảm xúc bất an, lo âu, hoảng sợ; cảm xúc không thoải mái về quá khứ, ấn tượng đã từng trải và đôi khi như đã đọc qua, đã trải nghiệm, các hồi tưởng được chế biến một cách bệnh lý, tạo nên một cảm giác bị đe dọa, nguy hiểm đang nhích lại gần đặc biệt từ phía những người xung quanh dẫn đến việc nhận định mang tính hoang tưởng, nhiều ảo giác rùng rợn… dễ dàng tấn công nguy hiểm đối với xung quanh.

Luật hình sự nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Bởi vì họ tự đặt mình vào tình trạng “say” nên họ có lỗi. Việc buộc người say rượu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn say rượu.

Tuy nhiên, say rượu bệnh lý là một bệnh chứ không phải say rượu thông thường nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự, thì người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Bệnh khác ở đây là “say rượu bệnh lý”. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng coi trường hợp say rượu bệnh lý được loại trừ trách nhiệm hình sự.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm