Sẽ có hướng dẫn về cách nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình tại tòa

(PLO)-  TAND Tối cao đã tính đến việc sẽ phải trình xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên toà; sắp tới sẽ phải có hướng dẫn về nhà báo xin phép ghi âm, ghi hình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Tại cuộc họp báo, Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề dự thảo 5 quy định chế tài xử phạt đối với hành vi livestream, Pháp lệnh vừa được công bố đã bỏ hành vi này, chỉ xử phạt hành vi ghi âm, ghi hình khi chưa được phép. “Tới đây hành vi livestream có bị xử phạt không, nếu có thì sẽ xử lý theo quy định nào?”- PV hỏi.

PV báo Thanh Niên hỏi tiếp: Pháp lệnh quy định nhà báo bị phạt tiền nếu ghi âm, ghi hình không được sự đồng ý của HĐXX và người tham gia phiên tòa. Vậy cách thức xin ý kiến của nhà báo như thế nào? Xin bằng văn bản, bằng miệng tại phiên tòa?...

Trả lời, Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho hay các luật, bộ luật tố tụng (Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật TTHC) đều quy định ghi âm, ghi hình HĐXX, những người tiến hành tố tụng thì phải được sự đồng ý của những người đó. Những người khác khi muốn ghi âm, ghi hình của những người tham gia cũng phải được sự đồng ý của họ.

“Đây là nguyên tắc thể hiện bảo đảm quyền con người. Báo chí có quyền của báo chí, những người khác cũng có quyền công dân. Khi thực hiện quyền của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác, đó là nguyên tắc tổng quát nhất”- ông Tuệ nói.

Theo Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao, Luật Báo chí quy định báo chí được phép ghi âm, ghi hình nhưng ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng quyền của người khác. “Cái này luật quy định rồi, không phải chúng tôi vẽ ra để gây khó khăn cho báo chí. Chúng tôi rất muốn tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động nhưng luật quy định muốn vào tác nghiệp tại phiên toà (hình sự chẳng hạn) thì phải được sự đồng ý của chủ toạ phiên toà”- ông Tuệ nói thêm.

Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ. Ảnh: MINH ĐỨC
Phó chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ. Ảnh: MINH ĐỨC

Với câu hỏi nhà báo phải xin phép thế nào, ông Tuệ nói: “Thực ra câu hỏi của nhà báo rất khó. Trong một hội trường đông như thế thì xin phép thế nào? Đây cũng là vấn đề đặt ra, tới đây sẽ phải có hướng dẫn”- Phó chánh án cho hay.

Ông cũng cho biết quá trình thảo luận về nhà nước pháp quyền, TAND Tối cao đã tính đến việc sẽ phải trình xây dựng những quy phạm về cách tác nghiệp của nhà báo tại phiên toà.

“Nhà báo hỏi câu này, chúng tôi chưa thể trả lời ngay là xin phép thế nào. Nhưng nếu anh không xin phép, người ta biết được anh đưa ảnh HĐXX lên không xin phép hoặc chụp ảnh đương sự (trong vụ án ly hôn chẳng hạn) lên mạng, người ta khiếu nại thì chắc chắn nhà báo sẽ bị xử lý”- vẫn lời ông Tuệ.

Phó chánh án bày tỏ mong muốn khi có quy định rồi, nhà báo khi tác nghiệp thực hiện cho đúng quy định, hỗ trợ cho toà hoạt động và cũng không làm ảnh hưởng đến quyền của người khác.

“Câu này chúng tôi xin khất là sẽ có hướng dẫn, bây giờ chưa có hướng dẫn”- ông Tuệ nói.

Về hành vi livestream (ghi phát trực tiếp), ông Tuệ giải thích các luật về tố tụng chưa sử dụng từ này nên Pháp lệnh này chưa quy định. Tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội về xét xử trực tuyến có quy định không được phép livestream.

“Thực ra chúng tôi đã đưa vào rồi nhưng thảo luận, Thường vụ Quốc hội cho rằng livestream là ghi phát trực tiếp, ghi đã là cấm rồi, phát nữa thì hành vi còn nặng hơn. Do đó, đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm”- ông Tuệ giải thích thêm ghi hình, ghi âm đã là sai, sau đó còn phát tán lên mạng thì mức độ lỗi còn lớn hơn.

“Ban đầu dự thảo quy định có hành vi livestream nhưng sau đó, Thường vụ Quốc hội thảo luận cho rằng luật tố tụng chưa quy định nên không quy định trong pháp lệnh”- ông Tuệ nói.

Lý do luật sư bị phạt nặng hơn đối tượng khác

Trả lời câu hỏi vì sao luật sư vi phạm bị chế tài nặng hơn, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết quan điểm của TAND Tối cao, luật sư là người am hiểu pháp luật. Khi tham gia tố tụng, họ phải thể hiện sự tôn trọng pháp luật, thậm chí làm gương cho những người khác tuân thủ theo. Vì vậy, khi họ vi phạm thì mức xử phạt nặng hơn. “Chúng tôi đã đánh giá rất kỹ điều này. Như Tổng bí thư nói, những người làm công tác chống tham nhũng lại tham nhũng thì bị xử phạt nặng hơn những người bình thường. Trong trường hợp này luật sư cũng thế”.

Cũng theo ông Tuệ, có áp dụng biện pháp tước giấy phép không thì lại xử lý theo Nghị định 82 của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm