Sẽ “ép” chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN) tiếp tục được hỗ trợ lãi suất 0%, còn giá thành thu mua sẽ do Bộ Tài chính tính toán trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, nói tại buổi họp báo ngày 4-6, với tình hình xuất khẩu khó khăn thì giá lúa không thể cao hơn giá thị trường, nông dân sẽ không lãi nhiều. Hơn nữa, VFA chưa thể đảm bảo thu mua hết lúa hàng hóa vụ này vì nguồn cung đang lớn trong khi nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Một điều đáng lo nữa là chất lượng lúa vụ hè thu rất thấp, ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng và thiếu nước khiến hạt gạo đục, xám nên khó chế biến thành gạo xuất khẩu. “Nếu trách DN mua lúa giá thấp lúc này là không đúng.

Hạt lúa chất lượng kém không đủ điều kiện chế biến gạo thành phẩm xuất khẩu thì DN không thể mua giá cao được, có mua vào cũng không bán được” - ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, lý giải.

Về việc phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ theo sản lượng cho các tỉnh, ông Phong cho rằng không thể được vì số lượng DN ở mỗi địa phương không cân đối. Còn với vụ hè thu này, VFA sẽ “ép” chỉ tiêu đối với DN tham gia thu mua tạm trữ về sản lượng, giá thu mua. Nhưng DN vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, nếu không thì không thể mua lúa tại ruộng.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, nhận định hy vọng sang tháng 7 thì tình hình xuất khẩu gạo sẽ khả quan hơn. Thông tin gạo ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) nhiễm chì, giá gạo Thái Lan vẫn cao vì chương trình trợ giá là điều kiện để tăng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc trong thời gian tới. Giải pháp lúc này là chấp nhận bán giá rẻ, tăng tốc bán ra để tiêu thụ, từ đó nâng giá trong nước do lượng bán tăng lên. Dự kiến sáu tháng đầu năm 2013, cả nước sẽ xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm