Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam nêu vấn đề xây dựng bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là một nhu cầu cấp thiết, một công việc rất quan trọng của Liên đoàn.
Bộ quy tắc này quy định những chuẩn mực về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.
Luật sư ShigeJi ISHIGURO (phải), Hiệp hội Luật sư Nhật Bản chia sẻ về đạo đức và trách nhiệm của luật sư ở Nhật Bản. Ảnh: K.P
Tại đây, luật sư Steven Richman, Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ (ABA) đã trao đổi về những nội dung cơ bản của bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của ABA. Trong đó, đạo đức nghề nghiệp luật sư là những quy tắc về trách nhiệm nghề nghiệp có chức năng điều chỉnh ứng xử của luật sư. Nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, luật sư có thể sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền kỷ luật.
Luật sư Steven Richman (Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ) thông tin các luật sư ở Mỹ được cấp chứng chỉ hành nghề theo bang, không phải trên toàn quốc (trừ chứng chỉ của các luật sư về bằng sáng chế). Phần lớn các bang yêu cầu “thống nhất” hoặc “bắt buộc” các luật sư phải là thành viên của đoàn luật sư.
Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ, một tổ chức tự nguyện và tự do, đã ban hành một bộ quy tắc mẫu mà các bang có thể áp dụng toàn bộ hoặc một phần, có hoặc không sửa đổi để điều chỉnh hoạt động hành nghề của các luật sư thành viên (Bộ quy tắc mẫu ABA).
Đoàn luật sư các bang cũng tự bổ sung thêm các quy tắc mẫu riêng lẻ như quy tắc mẫu của ABA về việc gia nhập đoàn luật sư. Quy tắc của ABA định nghĩa những hành vi ứng xử sai lệch trong hành nghề nhằm bổ sung các hành vi bị cho là quấy rối hoặc phân biệt đối xử. Các hành vi ứng xử không đúng chuẩn mực khác bao gồm nói dối, gian lận, cố tình hiểu sai…
Luật sư ShigeJi ISHIGURO, Hiệp hội Luật sư Nhật Bản chia sẻ về đạo đức và trách nhiệm của luật sư ở Nhật Bản thì luật sư có sứ mệnh bảo vệ các quyền cơ bản của con người và công bằng xã hội, đó chính là sứ mệnh của một luật sư. Để hoàn thành sứ mệnh này, luật sư được đảm bảo quyền độc lập và tự chủ cao của mình.
Tính độc lập được thể hiện ở chỗ không chịu sự can thiệp của Chính phủ, tác nhân bên ngoài, không làm theo yêu cầu vô lý của khách hàng, độc lập về lợi ích của chính bản thân mình. Luật sư ShigeJi ISHIGURO thông tin là nếu luật vi vi phạm đạo đức và trách nhiệm thì công bố thông tin công khai và điều này thật ngại, đáng xấu hổ.
Theo quy định về luật sư của Nhật Bản thì những người không phải là luật sư bị cấm hành nghề luật sư. Luật cũng quy định các quy tắc của các bên đối lập, các luật sư khác, các dịch vụ tư vấn và khiếu nại…
Tại buổi này, các luật sư cũng trao đổi, thảo luận xoay quanh quy định về đạo đức và trách nhiệm của luật sư với vai trò, chức năng xã hội của nghề luật sư, quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, thù lao, giữ bí mật…
Các luật sư tham gia hội thảo ngày 3-1. Ảnh: K.P
Phát biểu kết thúc hội thảo, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam khẳng định việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thảo luận thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của luật sư hiện nay là yêu cầu khách quan.
Điều này thật sự cần thiết, là cơ sở để điều chỉnh có hiệu quả các hành vi đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Ông Thịnh ghi nhận ý kiến đóng góp của các luật sư cho dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ quy tắc nói trên.