Ông Nghĩa nói rất chia sẻ với góc nhìn của bài viết “Thù lao nhân chứng chỉ bằng suất cơm bụi” đăng trên Pháp Luật TP.HCM, ngày 24-3. Ông cho biết do văn bản đang nằm ở dạng dự thảo nên ban soạn thảo sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan. Việc lấy ý kiến sẽ dựa trên nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành, rà soát lại các nội dung dự thảo và có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ban soạn thảo sẽ tính đến các phương án quy định thủ tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để người làm chứng hợp tác, bởi sự hợp tác của họ là điều rất quan trọng cho quá trình tố tụng.
Theo ông Nghĩa, thù lao cho người làm chứng sẽ bao gồm nhiều yếu tố và chi phí đi kèm như xăng xe, đi lại, cư trú… Mức cụ thể, cách tính thù lao sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá và đưa vào quy định trong thông tư hướng dẫn. Bởi đối tượng làm chứng rất khác nhau, có người hưởng lương nhà nước, doanh nghiệp hoặc người lao động tự do, sinh viên… Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có quy định mức thù lao phù hợp.
Cũng theo ông Nghĩa, tiền thù lao cho người làm chứng sẽ được tính toán hợp lý dựa trên mức lương cơ sở. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc làm chứng còn gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và tính nhân văn của người dân. “Có thể có những người làm chứng không cần đến tiền mà bằng tấm lòng trung thực, nhân ái để bảo vệ công lý” - ông Nghĩa lý giải.
Theo dự thảo nghị định, nếu người làm chứng tham gia phiên tòa thì được hưởng 100% mức lương cơ sở (đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) tính theo ngày. Nếu người làm chứng không tham gia phiên tòa mà chỉ tham gia các phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự thì thù lao của họ chỉ còn một nửa (50% mức lương cơ sở tính theo ngày)… Hiện nay mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. Nếu tính theo cách thông thường (chia cho 30 ngày) thì thù lao cho người làm chứng sẽ chỉ từ hơn 19.000 đồng/ngày đến hơn 76.000 đồng/ngày tùy trường hợp.
TRÀ PHƯƠNG