Ngày 14-8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy cho hay quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH |
Quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật có hai loại ý kiến khác nhau về nội dung này. Ý kiến thứ nhất đề nghị không nên bổ sung hai loại nước này vào phạm vi điều chỉnh của luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình QH.
Hôm nay, hai bộ trưởng trả lời chất vấn
Hôm nay (15-8), UBTVQH sẽ chất vấn hai bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ NN&PTNT. Nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp là công tác xây dựng pháp luật; đáng chú ý là thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Về lĩnh vực NN&PTNT, các đại biểu sẽ chất vấn về các vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…
Lý do bởi nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường, do vậy cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và chưa có vướng mắc, bất cập gì.
Ý kiến khác lại cho rằng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có đầy đủ các đặc tính của nước nên cần được quản lý thống nhất trong Luật Tài nguyên nước. Hai loại nước này do cùng một cơ quan chuyên môn về tài nguyên môi trường quản lý, cấp phép thì nên quản lý thống nhất một đầu mối…
Ông Lê Quang Huy cho hay Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Cũng theo ông Huy, nếu chuyển sang điều chỉnh tại Luật Tài nguyên nước thì cần có đánh giá tác động, phải sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý phù hợp với tính đặc thù của loại nước này trong dự thảo luật, đồng thời phải sửa đổi pháp luật có liên quan.
Nêu ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đồng tình với nhận định của cơ quan thẩm tra và gợi ý sau khi xin ý kiến tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách, nếu thống nhất cao chỉ trình QH tại kỳ họp thứ sáu một phương án.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH |
Tăng các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, để hậu kiểm
Một nội dung đáng chú ý khác, ông Lê Quang Huy cho hay có ý kiến đề nghị quy định cụ thể đối tượng, điều kiện, quy mô phải đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước.
Tiếp thu ý kiến, dự thảo luật đã bổ sung bốn điều quy định cụ thể về nguyên tắc cấp phép, đối tượng phải đăng ký, cấp phép khai thác sử dụng nước, điều kiện cấp phép. “Quy mô để làm căn cứ cấp phép sẽ được Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tính đặc thù của nước luôn biến động theo thời gian và không gian” - ông Huy nói.
Cơ bản đồng ý với các trường hợp không phải đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định chỉ đề nghị cân nhắc với các trường hợp nước ngầm. Theo ông, việc khai thác nước ngầm bừa bãi, không có quản lý gây ảnh hưởng rất lớn. Đơn cử ở ĐBSCL, việc khai thác không kiểm soát chặt chẽ diễn ra khá phổ biến. Đây là lý do dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển do nước ngầm dưới đất khai thác quá mức.
Góp ý, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá dự luật đang quản lý chủ yếu bằng giấy phép. “Các giấy phép cũng quan trọng nhưng đây là vấn đề tiền kiểm” - ông Huệ nói và gợi ý nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, để hậu kiểm.
“Nước bao la bể sở thế này, Chính phủ, Bộ TN&MT, ngành tài nguyên, các cơ quan từ trung ương xuống địa phương có ngồi trông coi được hết không? Phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân tham gia quản lý, khai thác, sử dụng” - Chủ tịch QH nói và đề nghị Bộ TN&MT nên phối hợp với Bộ KH&CN quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý.
Bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng công an
Cũng tại phiên họp thứ 25, UBTVQH đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019 của UBTVQH quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho hay tại kỳ họp thứ năm, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, theo đó tăng số lượng vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng từ 157 lên 162 vị trí, tăng năm vị trí.
Do vậy, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 657/2019 cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, các thành viên UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung này. Đa số các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết, cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo nghị quyết và đề nghị biên tập một số nội dung đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu hơn.
100% thành viên UBTVQH sau đó đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc các nội dung dự thảo nghị quyết và hồ sơ trình UBTVQH.