Sính ngoại và lộng ngôn

Và hầu như đa số người nghe chẳng hiểu là họ hát cái gì. Cứ một, hai câu tiếng Việt lại chen vào vài câu tiếng Anh. Trường hợp vừa nêu chỉ là một đơn cử, không phải cá biệt. Đáng buồn đó lại là cái khuynh hướng của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay. Có câu cực kỳ đơn giản như “Anh yêu em” nhưng vẫn phải hát tiếng Anh “I love you” cho nó... hiện đại! Cả nghệ danh một số nghệ sĩ trình diễn bây giờ cũng thêm tiếng Anh, tiếng Hàn vào; thậm chí cả tên nước ngoài như Chi Pu, Issac..., mới nghe cứ tưởng nghệ sĩ ngoại quốc đến Việt Nam biểu diễn! Đáng buồn hơn nữa là hiện nay chuyện sính ngoại, vọng ngoại, bắt chước, lai căng không chỉ trong giới trẻ. Nó có mặt mọi lúc, mọi nơi. Như rất nhiều loại thực phẩm, nước uống, dầu ăn, hàng tiêu dùng thông thường cũng đặt tên tiếng Anh, mới xem giống như hàng nhập khẩu, có vẻ như “lừa, dụ” người tiêu dùng bình dân. Cả đến nhiều mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu... chắc chắn là bán cho nông dân cũng ghi tên tiếng Anh. Cả tên cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp cũng thấy đề “showroom”!

Những nhà sản xuất, kinh doanh quảng cáo cho sản phẩm là chuyện bình thường. Quảng cáo đương nhiên là dùng mọi chiêu thức để nói về những cái hay, cái tốt của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhưng có nhiều doanh nghiệp quảng cáo những lời có cánh, nhiều khi quá đáng, đôi khi như lừa khách hàng. Nhiều tòa chung cư loại thường thường bậc trung với cư dân hầu hết là người Việt vẫn mang các tên Tây. Đi một vòng vài quận mới vùng ven bạn sẽ bắt gặp vô số chung cư với tên tiếng Anh rất kêu mà hầu hết cư dân chẳng hiểu mình ở cái chung cư tên Tây ấy nghĩa là gì! Nhiều người bảo chung cư người Việt ở sao không đặt tên Việt cho dễ gọi, chẳng hạn như mấy chung cư ở quận 2 như An Phú, An Khánh, An Cư, An Thịnh... nghe cũng rất hay lại có ý nghĩa. Ngoài ra, một số chung cư với những căn hộ chỉ rộng năm, sáu chục mét vuông với những tiện nghi cơ bản nhưng được quảng cáo là chung cư cao cấp. Không hiểu ai chứng nhận cho mấy cái cấp này? Thậm chí họ tự đặt cho những cái tên rất kêu - kể cả mang tên các danh nhân cho nó oai và xứng với cái cấp cao tự phong. Thời gian gần đây nghe râm ran sẽ có các hội đồng thẩm định, phân cấp các khu chung cư nhưng không biết bao giờ thì mới có hội đồng và gồm những ai để phán quyết về các cấp chung cư, kẻo không khéo sẽ có chuyện mua danh hiệu để dễ bán nhà.

Từ sau đổi mới, mở cửa hòa nhập thế giới với định hướng khá hay “hòa nhập - không hòa tan”. Đặc biệt những năm gần đây bước sang thời đại Internet - thế giới phẳng, sự hòa nhập càng sâu rộng. Nguy cơ mất gốc của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ đã khiến nhiều người tâm huyết với văn hóa dân tộc đau đáu. Nhưng có lần một nhà thơ trẻ thuộc trường phái “Hậu hiện đại” nói với tôi: Thời đại thế giới phẳng mà mấy ông còn kêu gọi tình tự dân tộc, hòa nhập chứ không hòa tan, nghe lạc hậu quá. Bây giờ chúng ta là “người Trái đất” chứ không chỉ bó hẹp là người Việt Nam. Tôi nghĩ anh bạn trẻ có hơi lộng ngôn. Tôi bảo ngay cả Liên hiệp châu Âu (EU) với những quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Đức, Ý... (tuy nước Anh vừa qua đã trưng cầu dân ý rút khỏi EU) với các nền văn minh lâu đời đã tự nguyện tập hợp thành một khối, xài chung đồng bạc euro nhưng đó chỉ là liên kết về mặt kinh tế - chính trị - xã hội chứ mỗi quốc gia vẫn giữ ngôn ngữ và bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam ta tuy chậm phát triển về kinh tế nhưng dân tộc ta có một nền văn hóa lâu đời, cũng đáng hãnh diện lắm chứ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm