Sinh viên làm bồ nhí sẽ bị đuổi học tức thì

Quy định này nhằm ngăn chặn sinh viên trở thành tình nhân của những người giàu có chỉ vì tiền và cả những người chọn đi những con đường sai trái trong tình yêu.

Đại học Trùng Khánh và Đại học Tây Nam là những trường đi đầu trong việc đưa ra quy định cấm sinh viên ‘trở thành trai bao, bồ nhí hay có những mối quan hệ tình một đêm’. Sinh viên vi phạm những quy định này sẽ bị đuổi.

Đúng như dự đoán, quy định mới này đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi vượt ra khỏi phạm vi của nhà trường.

Một số ủng hộ và cho rằng điều này sẽ giúp định hướng những lối sống có đạo đức cho sinh viên.

Một số khác thì phê bình tính không khả thi của những quy định này.

Thậm chí, có những người còn khẳng định một cách dứt khoát rằng họ không bao giờ coi thường những người muốn được ‘lên giường’ với những người giàu có.

“Đó là thỏa thuận thống nhất giữa những con người đã trưởng thành. Ai cũng có quyền tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho riêng mình bằng bất kì cách nào mà họ thấy phù hợp với luật pháp.” – trích dẫn ý kiến của một sinh viên.

Sự thật là, sinh viên của nhiều trường đại học đã lấy việc trở thành tình nhân của những người có tiền và có quyền như một nghề nghiệp là một xu hướng không hề xa lạ.

Thậm chí, từ năm 2005 giới truyền thông nước ngoài còn đưa tin về ‘sự hồi sinh’ của tục lệ có vợ bé thời hiện đại của người Trung Quốc. Và từ năm 2007, những khái niệm như ‘vợ bé’, ‘trai bao’ đã trở nên rất phổ biến trong bất cứ trường đại học lớn nhỏ nào của Trung Quốc.

Theo một cuộc điều tra với 992 sinh viên được tiến hành bởi Hiệp hội Phụ nữ Quảng Châu từ tháng giêng tới tháng ba, có 60% sinh viên nói rằng họ muốn được làm dâu trong những gia đình giàu có. Hầu hết các cô gái được hỏi đều tin rằng hôn nhân không nhất thiết phải cần tình yêu.

Song tại sao các nhà giáo dục lại đợi tới tận bây giờ mới can thiệp để xử lý tình trạng ‘nhơ nhuốc’ đang tồn tại trong môi trường học tập này, và lại bằng những biện pháp dễ gây ra bất đồng khó có thể kiểm soát này.

Phải thừa nhận rằng, cơ thể của mỗi người là thuộc quyền sở hữu của riêng người đó, và quyết định quan hệ tình dục với người mà họ thích hoàn toàn xuất phát từ ý muốn của họ.

Quyết định đó không chỉ đơn thuần liên quan đến tự do thân thể, mà còn liên quan đến tự do về tinh thần và chính trị. Nhà tâm lý học người Pháp Michel Foucault đã cho rằng ‘tự do tình dục’ là quyền tự do cơ bản của con người và nhấn mạnh rằng những giới hạn và quy định về tình dục càng ít thì chứng tỏ xã hội đó càng tiến bộ.

Có lẽ, triết lý của Foucault gần như không thể được chấp nhận ở môi trường giáo dục của Trung Quốc và bị cho là sai trái với những giá trị truyền thống của người Trung Quốc. Nhưng ít nhất thì cuộc sống tình dục cũng là điều riêng tư trong cuộc sống của mỗi người và vì thế nó nên được bảo vệ hơn là bị phơi bày ra ánh sáng bởi những hình phạt đầy tính nguyên tắc.

Hơn nữa, các nhà giáo dục cũng cần phải sáng suốt để tìm ra những nguyên nhân đằng sau xu hướng mới này trong khuôn viên trường đại học. Tại sao họ lại chấp nhận ngủ với những người đàn ông đáng tuổi bố mình hay những người đàn bà thích ‘lái phi công’? Hãy gạt sang một bên những ham muốn dục vọng, vậy thì điều gì khiến những cử nhân tương lai quyết định chạy theo xu hướng này? Phải chăng là để đáp ứng những ham muốn về vật chất hay để thỏa mãn những phù phiếm đang nhen lên? Có lẽ vậy.

Những khoảng cách về tài sản đang ngày càng rộng hơn cùng với sự phân loại nguồn gốc xã hội không đồng đều và bất công đã xuất hiện trong môi trường trường đại học và chúng được miêu tả rõ nét qua cuộc sống của sinh viên. Sự thiếu công bằng xã hội đang làm xói mòn ‘Lâu đài đạo đức’ được cho là vững chắc nhất hay nói một cách văn chương là ‘Tòa tháp ngà’ – đó chính là trường đại học.

Khi bạn nhìn thấy những chiếc Bentley, Mercedes-Benz hay BMW được những người trẻ đầy kiêu ngạo sinh ra trong những gia đình giàu có lượn đi lượn lại trong khuôn viên khiêm nhường của trường học; khi bạn phải đối mặt với một thị trường việc làm ồn ã với cả biển người mà không hề có sự hậu thuẫn vững chắc từ gia đình hay những mối quan hệ thân thiết; và bạn nhìn thấy những người bạn cùng lớp, cùng phòng của mình hay một chàng trai trẻ nhiều quyền lực nhâm nhi cốc bia mát lạnh và nói chuyện với các cô gái, bạn biết rằng con đường tương lai của anh ta được mở đường với đầy hoa hồng và tiền bạc nhờ một bàn tay đầy thế lực, chắc hẳn bạn sẽ sôi sục lên với con mắt không chỉ chứa đựng sự ghen tị; khi mà bạn nhìn thấy những điều mà với xã hội phương Tây đó là những hành vi sai trái nghiêm trọng (gian dối trong bài kiểm tra, làm giả các dữ liệu nghiên cứu…) lại trở thành thói quen và hiếm khi bị trừng phạt, lúc đó bạn sẽ cảm thấy chua xót đến cùng cực và cán cân công bằng và những đạo lý sẽ sụp đổ hoàn toàn trong bạn.

Khi mà câu tục ngữ ‘Có công mài sắt, có ngày nên kim’ bị chế nhạo một cách tàn nhẫn bởi sự thật này, và khi sự suy đồi là cách duy nhất để những người trẻ đang đứng ở vạch xuất phát với nền tảng gia đình thấp kém bước về phía trước và leo lên những bậc thang cao hơn trong xã hội, và khi những ham muốn trần tục vô độ được chấp nhận ngày càng nhiều như một tình trạng chung, thậm chí nhiều người còn tìm đến nó như một thứ ‘mốt’ trong giảng đường đại học, và khi giáo dục bị làm nhơ bẩn bởi quan niệm ‘có tiền sẽ có mọi thứ’, thì liệu có quá độc đoán không khi người ta đóng đinh những sinh viên ‘bồ nhí’ và ‘trai bao’ vào cây Thánh giá mang tên ‘Đạo đức’?

Theo Nguyễn Thảo (VNN)
(dịch từ People’s Daily online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm