Cứ xem số người uống nước không đủ trong ngày, số người nín tiểu khi cần xả xú bắp, số người tích chất sinh sỏi vì mạnh miệng với rượu bia thì khỏi cần coi bói cũng biết thầy thuốc chuyên khoa niệu ở xứ mình khỏi lo chuyện no cơm ấm áo.
Muốn biết phải hiểu. Tuy người bệnh đông đến thế nhưng số người hiểu rõ về sỏi thận lại không bao nhiêu. Theo chuyên gia ngành tiết niệu ở Đức, sỏi sở dĩ dễ đóng là do 10 điểm thường bị hiểu lầm:
Người uống nhiều nước ít khi bị sỏi thận? Hoàn toàn chính xác, vì lượng nước uống vào tối thiểu có tác dụng làm loãng nước tiểu, nhờ đó khoáng chất và tạp chất trong nước tiểu không có cơ hội kết tủa. Người có cơ tạng dễ bị sỏi thận, nghĩa là có cha mẹ, anh em đã bị sỏi thận, nên uống ly nước nhỏ trước khi đi ngủ, tuy có thể phải một lần tiểu đêm nhưng mặt khác tránh được tình trạng cô đặc nước tiểu trong đêm.
Cà phê là nguyên nhân gây sỏi thận? Không sai, vì lượng caffein trong máu nếu quá cao sẽ kéo theo chất vôi qua đường tiểu. Càng nhiều chất vôi trong đường tiết niệu nguy cơ sinh sỏi thận càng cao. Cà phê uống đúng hai lần trong ngày, một trong buổi điểm tâm, một không trễ hơn 17 giờ thì cà phê nên thuốc. Uống thường hơn thì cà phê thành thuốc hại thận.
Người ăn quá nhiều thịt cũng dễ bị sỏi thận vì tăng acid uric là điều kiện thuận lợi cho một loại sỏi khác - sỏi urate.
Uống ly bia buổi tối có thể ngừa sỏi thận? Cũng đúng, nhờ men bia có tác dụng ngăn chặn tình trạng tích tụ chất vôi trong đường tiết niệu. Theo các nhà nghiên cứu ở Helsinki, Phần Lan, uống nửa lít bia mỗi ngày có thể giảm đến 40% xác suất sỏi thận. Ở Ba Lan và Tiệp Khắc, thầy thuốc vẫn còn thói quen ghi bia trên toa thuốc của người bị sỏi thận. Nhưng xin lưu ý, phải đúng một ly bia 250 ml cho mỗi bữa ăn chính mà thôi và mỗi ngày thông thường chỉ có hai bữa không kể điểm tâm.
Béo phì là yếu tố giúp sỏi thận thành hình? Đúng hơn 100%! Lượng acid uric, nguyên nhân của bệnh gout, hầu như luôn luôn tăng cao ở người béo phì. Không chỉ trong khớp, chất này có khuynh hướng đọng lại trong đường tiết niệu nếu bệnh nhân uống nước không đủ. Acid uric từ đó tạo thành điểm tựa cho khoáng chất và tạp chất bám vào mà thành viên sỏi. Giảm cân vì thế là một trong các biện pháp tích cực để phòng ngừa sỏi thận.
Lạm dụng sinh tố có thể dẫn đến sỏi thận? Đúng, chẳng hạn với sinh tố C nếu uống liên tục nhiều tuần với mỗi ngày hơn 500 mg. Thuốc với sinh tố nào cũng vậy, chỉ hữu dụng khi cơ thể có nhu cầu. Thêm vào đó, chất phụ gia trong thuốc sủi bọt là đòn bẩy để tạp chất trong dòng nước tiểu lắng xuống quá nhanh thay vì trôi theo dòng nước trở về với thiên nhiên.
Ăn nhiều pho mát có thể sinh sỏi thận? Đúng nhưng chưa chính xác. Không chỉ với pho mát mà với tất cả món ăn chứa nhiều chất vôi. Nếu ăn kèm với các dạng thực phẩm có nhiều oxalate như rau dền, cà chua, bạc hà... thì nguy cơ càng cao vì dễ sinh sỏi thận có cấu trúc oxalate vôi. Tương tự như thế, người ăn quá nhiều thịt cũng dễ bị sỏi thận vì tăng acid uric là điều kiện thuận lợi cho một loại sỏi khác - sỏi urate.
Không nên uống sữa nếu bị sỏi thận? Không đúng, nếu biết cách giữ quân bình khoáng tố trong chế độ dinh dưỡng để chất vôi đừng chiếm ưu thế. Muốn vậy, cùng lúc với uống sữa nên chú trọng các dạng thực phẩm chứa nhiều magnesium, khoáng chất có tác dụng tương tranh đối kháng với vôi, như gạo lứt, chuối, đậu xanh, khoai lang...
Đổ mồ hôi quá nhiều dễ bị sỏi thận? Đúng, nếu không uống nước kịp thời để bù trừ lượng dịch thể và chất điện giải thất thoát qua mồ hôi. Điều này càng nên lưu ý cho vận động viên, người lao động nặng, người hay xông hơi mà quên uống nước.
Một số dược thảo có thể làm tan sỏi thận? Đúng một cách tương đối. Một số cây thuốc đúng có tác dụng thu nhỏ kích thước hay làm vỡ viên sỏi, như kim tiền thảo, râu mèo, ngưu tất... nhưng tác dụng không ổn định vì tùy thuộc nhiều điều kiện như kích cỡ và cấu trúc của viên sỏi, cơ tạng người bệnh, bệnh lý đi kèm... Ngay cả một số thực phẩm cũng có tác dụng tương tự. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy lecithin trong đậu nành có tác dụng phá sỏi trên đường tiết niệu sau khi người bệnh áp dụng hình thức ăn chay, dù chỉ một buổi mỗi ngày nhưng trong nhiều tuần liên tục.
Có thể tiểu ra sỏi? Đúng, dù đó không hẳn là giải pháp lý tưởng. Nước chảy đá mòn, sỏi có thể theo dòng nước tiểu ra ngoài nếu uống nước nhiều hay dùng thuốc lợi tiểu. Nếu may mắn gặp loại sạn cát hay sỏi kích thước còn nhỏ thì có thể xuôi chèo mát mái. Nhưng sỏi cũng có thể vướng lại đâu đó gây xuất huyết trên đường tiết niệu hay gây cơn đau sỏi thận khó chịu vô cùng. Do đó, nên để thầy thuốc chuyên khoa can thiệp, tốt hơn là đừng tự ý điều trị theo phương thuốc “gia truyền” nào đó. Sỏi tiết niệu, cũng như tất cả căn bệnh khác, phải được điều trị một cách cá biệt.
Biết rõ hơn về sỏi thận là điều tốt. Nhưng biết rồi mà chưa chịu tìm cách phòng ngừa thì vẫn là chưa hiểu gì hết. Khổ chính ở chỗ nói đúng là một chuyện. Có người chịu nghe hay không là chuyện khác!