Sở GTVT vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về vụ xe chở thùng container va vào đáy dầm cầu đi bộ (trên đường song hành xa lộ Hà Nội, tại khu vực Suối Tiên, quận Thủ Đức) khiến dầm cầu này rớt đè bẹp thùng container vào sáng 13-11.
Độ cao tĩnh không không đạt
Theo báo cáo, qua kiểm tra nhanh hồ sơ thiết kế bản vẽ, kiểm tra cao độ hai mố, trụ cầu đi bộ tại nhịp xảy ra sự cố cho thấy tĩnh không thực tế từ mặt đường đến đáy dầm không đạt 4,75 m, như thiết kế đã được duyệt.
Nguồn tin của PLO cho biết tại vị trí cầu vượt đi bộ, nơi xảy ra sự cố, có chiều cao từ 4,42 m đến 4,58 m, thấp hơn thiết kế 0,17-0,33 m.
Các đơn vị liên quan tiến hành đo đạc các thông số độ cao mặt đường, trụ, tĩnh không của dầm cầu bị rớt, đè xe container sáng 13-11. Ảnh: TS
Về biện pháp khắc phục, Sở GTVT cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đo đạc, kiểm tra chính xác hệ thống mốc tọa độ, trắc dọc của đường song hành, cao độ mố, trụ cầu đi bộ, từ đó có giải pháp xử lý để đảm bảo tĩnh không theo đúng thiết kế đã phê duyệt.
Cũng theo báo cáo, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng xa lộ Hà Nội, đơn vị thi công, mới hoàn thành việc lắp đặt hai dầm cầu đi bộ số 1 lúc 1 giờ sáng 13-11. Đến 4 giờ sáng cùng ngày thì xảy ra sự cố, vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hỏng một dầm cầu và một thùng container 40 feet.
Trăm dâu đổ đầu chủ đầu tư
Trao đổi với PLO về báo cáo trên của Sở GTVT, một chuyên gia cầu đường cho rằng báo cáo còn chung chung, không chỉ rõ tĩnh không thông xe của cầu đi bộ không đạt chuẩn 4,75 m là do đâu.
Cụ thể, cần làm rõ: 1/ Tĩnh không không đạt là do hệ trụ, mũ, gối đỡ dầm thấp hơn so với thiết kế; hay 2/ Đáy dầm (chiều cao của dầm) đúc dày hơn thiết kế nên mới làm hạ độ cao tĩnh không xuống; hay 3/ Mặt đường có bị nâng lên không vì đây cũng là nguyên nhân làm 'thấp' tĩnh không.
Hiện trường container bị dầm cầu rớt, đè vào sáng 13-11. Ảnh: TS
Ngoài ba nguyên nhân kỹ thuật trên, vị chuyên gia còn cho rằng nguyên nhân xảy ra sự cố còn nằm ở khâu tổ chức lao lắp, cố định dầm vào hệ đà, mũ, trụ cầu rồi mới cho lưu thông trở lại.
"Khi lao lắp dầm xong thì phải cố định dầm trên trụ, mũ chắc chắn; kiểm tra toàn bộ chiều ngang, độ cao tĩnh không thực tế xong thì mới được cho phép lưu thông trở lại dưới dạ cầu, đáy dầm. Khi giữa dầm và trụ liên kết, cố định chắc chắn thì xe, thùng container có va quẹt vào đáy dầm hoặc trụ cầu đi bộ thì chỉ có xe hư, thùng container lật, móp chứ không thể rớt cả cây dầm dài hơn 33 m như ở Suối Tiên!" - vị chuyên gia nói.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng trách nhiệm trong vụ này không chỉ thuộc về chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát mà còn thuộc về Sở GTVT: cơ quan quản lý nhà nước về dự án này và là cơ quan có quyền quyết định về tổ chức, giám sát giao thông qua khu vực công trường đang thi công!
Những ngày qua, chúng tôi đã gọi điện trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT, các phòng thuộc Sở… nhưng chưa nhận được phản hồi tích cực. Có vị khi nhắn tin trao đổi về trách nhiệm của đơn vị mình thì nhắn trở lại: “Cái này phải hỏi chủ đầu tư và đơn vị thực hiện dự án – (Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng xa lộ Hà Nội).
Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT, 10 ngày trước khi thực hiện lao lắp dầm vào sáng 13-11, Sở GTVT không có thông báo nào về tổ chức giao thông, cấm lưu thông qua khu vực công trường theo như quy định.