1.300 hộ dân Ninh Thuận sẵn sàng giao nhà, đất để làm dự án điện hạt nhân

(PLO)- Nhân dân vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chỉ có nguyện vọng là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, đời sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Dự thảo quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ninh Thuận vì cả nước để đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Đại biểu Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước.

Đại biểu Trần Quốc Nam nói từ khi có Nghị quyết 41/2009 của Quốc hội về đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân, hơn 15 năm qua Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế, sẵn sàng cho dự án được triển khai. 15 năm qua nhân dân vùng lõi dự án với gần 1.300 hộ cần di dời luôn sẵn sàng bàn giao nhà, đất để thực hiện dự án.

Hai xã Phước Dinh, Vĩnh Hải là nơi đặt hai nhà máy điện hạt nhân tiếp tục đóng góp nơi ở cho nhà nước làm nhà máy, với mong muốn dự án sẽ được triển khai nhanh hơn.

“Nhân dân vùng dự án chỉ có nguyện vọng là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn chỗ cũ, đời sống của bà con phải thật ổn định, ấm no, hạnh phúc” - đại biểu Trần Quốc Nam nói.

Theo ông, Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận trong năm 2025 phải thực hiện xong giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân vùng dự án, tức là chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện việc này.

Chính vì vậy, thời gian qua Ninh Thuận đã thực hiện nhiều công việc với tinh thần xuyên suốt việc là làm được thì làm ngay, không chờ đợi. Các công việc của tỉnh, chủ đầu tư, bộ ngành được triển khai với tinh thần quyết tâm quyết liệt để tới chậm nhất 31-12-2031 vận hành nhà máy điện hạt nhân số 1.

Ngoài bảy chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, ông Trần Quốc Nam thay mặt tỉnh Ninh Thuận đề xuất bổ sung thêm năm chính sách, cơ chế, nhất là về giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án.

“Giải phóng mặt bằng thường là khâu khó, mất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy định của luật thì chắc chắn một năm không thể hoàn thành” - ông Nam nói và nhấn mạnh việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ thật sự an toàn, bà con vùng dự án di dời sẽ có cuộc sống tốt đẹp nếu các cơ chế, chính sách mà tỉnh đề xuất được chấp thuận.

qh-tran-quoc-nam.jpg
Đại biểu Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại hội trường. Ảnh: QH

Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng dự án này cũng là điển hình thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

“Ninh Thuận và nhân dân vùng dự án sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và các công việc tiếp theo, đảm bảo tiến độ dự án, nêu cao tinh thần “Ninh Thuận vì cả nước, cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này để đất nước phồn vinh , hạnh phúc” - đại biểu Trần Quốc Nam nói.

Đánh giá đúng mức rủi ro

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tán thành dự thảo nghị quyết vì ông nói qua những thông tin tham khảo được, hiện nay cho thấy điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải, công suất lớn.

Nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách và có những động thái mới liên quan đến điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải carbon. Một số quốc gia đang mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân, tập trung vào xây dựng và nâng cấp các lò phản ứng để tăng công suất sản xuất điện.

Điện hạt nhân được nhiều quốc gia triển khai như một nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon. Với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, tăng nhanh của Việt Nam thì việc phát triển điện hạt nhân là một yêu cầu tất yếu khách quan.

“Trước yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, cộng với tính chất đặc thù, đặc biệt của các nhà máy điện hạt nhân thì việc Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu của thời đại. Đây cũng là chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và phát triển của Việt Nam” - ĐB Dương Khắc Mai phát biểu.

13.000 hộ dân Ninh Thuận sẵn sàng giao nhà, đất để làm điện hạt nhân ninh thuận
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ chuẩn bị nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các cơ chế đặc thù. Ảnh: QH

Ở góc độ khác, đại biểu Dương Khắc Mai dẫn ý kiến đánh giá của cơ quan thẩm tra về các rủi ro tài chính, công nghệ, an toàn, môi trường, địa chính trị và đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá toàn diện các rủi ro để chuẩn bị kỹ lưỡng, minh bạch và hiệu quả, bền vững.

Vì điện hạt nhân là lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, phức tạp, trong khi trình độ của Việt Nam còn ở mức cơ bản, vì vậy, ông Dương Khắc Mai đề nghị cần chuẩn bị nhân lực bằng cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực…

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) - người từng có thời gian nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, phân tích điện hạt nhân chỉ khác nhiệt điện là thay vì dùng nhiệt, hơi nước để quay tua-bin phát điện thì sử dụng năng lượng hạt nhân.

Còn về các cấu phần khác của nhà máy điện hạt nhân thì không phức tạp, thậm chí còn an toàn hơn so với nhà máy nhiệt điện. Cùng với các khuyến cáo, đánh giá của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA thì các vấn đề rủi ro cũng không hẳn đáng lo ngại.

Đại biểu Lê Mạnh Hùng (đoàn Cà Mau), Chủ tịch PVN cũng đồng tình với ý kiến này của đại biểu Trịnh Thị Tú Anh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm