Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường được gọi là sổ hồng) và hồ sơ địa chính.
Chống làm giả sổ hồng
Theo dự thảo trên, mẫu sổ hồng theo đề xuất tại dự thảo thông tư của Bộ TN&MT có nhiều điểm mới được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với thực tế, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, mẫu sổ hồng mới theo đề xuất sẽ in mã QR code trên góc phải. Mã QR code do cơ quan cấp sổ in, để các đối tượng có liên quan tra cứu thông tin được in trên sổ và thông tin phản hồi là như nhau, nhằm chống làm giả.
Khi thay mẫu sổ mới, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cũng sẽ xây dựng các quy định về yếu tố chống làm giả (đặc điểm bảo an) trên phôi giấy chứng nhận.
Trên sổ đỏ, sổ hồng hiện hành chỉ có một mã vạch truyền thống, trên đó chứa tối đa 20 ký tự, được thể hiện bằng một dãy các vạch xếp liền nhau. Việc thay thế các mã vạch bằng mã QR là phù hợp với thực tế, vì hiện mã QR rất phổ biến, thông dụng trong tất cả các lĩnh vực.
Người dân chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR là tra cứu được thông tin, rất thuận tiện. Điều này dễ dàng hơn so với kiểm tra thông qua mã vạch, nâng cao tính bảo mật và an toàn, giúp giảm bớt chi phí và công sức, thời gian đi lại của người dân.
“Việc áp dụng mã QR trên giấy chứng nhận giúp đồng bộ hóa các thủ tục hành chính trong thời gian sắp tới”- Luật sư Hậu đánh giá.
Theo ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản Căn Nhà Mới, sổ hồng mới có mã QR là phù hợp với sự phát triển công nghệ số hiện nay. Đặc biệt, có mã QR giúp phòng chống tình trạng một số đối tượng làm giả sổ, lừa người bán, người mua.
“Các địa phương đã cảnh báo tình trạng một số đối tượng làm giả sổ hồng để lừa bán bất động sản. Với việc áp dụng mã QR sẽ phòng chống tình trạng lừa đảo trên, giúp người dân an tâm phần nào” - ông Vũ chia sẻ.
Thứ hai là điểm mới về tên gọi. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết cụm từ tên gọi sổ hồng hiện nay là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, theo đề xuất mới sẽ được chuyển thành “Giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Luật sư Hậu đánh giá sự điều chỉnh này là hợp lý và phù hợp với Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới 2024, đồng thời thể hiện được sự minh bạch, rõ ràng vì nhà ở, tài sản khác cũng là tài sản.
Người dân không cần đổi sổ mới
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM lưu ý trong trường hợp mẫu sổ mới được thông qua thì người dân cũng không cần phải đi đổi sổ mới. Vì hiện nay sổ đỏ, sổ hồng hiện hành và sổ mới đều có giá trị pháp lý như nhau.
Theo khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp trước ngày 1-1-2025 vẫn có giá trị pháp lý.
“Do đó, người dân khi có nhu cầu mới đổi sổ mới, không thì không cần phải đi đổi sổ để tránh mất thời gian, chi phí”- Luật sư Nông cho hay.
Minh bạch, hạn chế tranh chấp đất đai
Một ưu điểm nữa của việc đổi sổ hồng mới theo Luật sư Huỳnh Văn Nông là sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý thông tin, dữ liệu nhà đất rõ ràng, minh bạch hơn.
Cụ thể, theo Luật Đất đai mới được thông qua, đối với trường hợp sổ hồng đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1-1-2025), nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi sổ mới và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất.
Việc xác định các thành viên có quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên sổ do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như vậy, theo quy định mới của Luật Đất đai 2024, đối với sổ hồng đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày 1-1-2025, nếu các thành viên của hộ gia đình có nhu cầu đổi sổ mới thì được cấp đổi sổ mới nhưng ghi đầy đủ tên các thành viên chứ không ghi tên đại diện hộ gia đình.
Theo đánh giá của Luật sư Huỳnh Văn Nông, quy định cấp sổ ghi tên đầy đủ các thành viên có quyền sử dụng đất trong sổ là hợp lý, cần thiết. Khi thông tin minh bạch, rõ ràng sẽ hạn chế được những tranh chấp, khiếu kiện về sau.
In sổ hồng theo một mẫu thống nhất cả nước
Mẫu sổ hồng hiện nay có 4 trang. Theo đề xuất, mẫu sổ hồng mới chỉ còn 2 trang. Trong đó, trang 1 gồm các nội dung quốc hiệu; quốc huy; mã QR code; tên "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" in màu đỏ; tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; thông tin thửa đất; thông tin tài sản gắn liền với đất; sơ đồ thửa đất…
Trang 2 gồm các nội dung những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp sổ hồng.
Về kích cỡ, mẫu sổ hồng mới theo đề xuất gồm 2 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen, có kích thước 210 x 297 mm. Trong khi đó, mẫu sổ hồng hiện hành có kích thước 190 x 265 mm.
Một điểm mới khác, theo dự thảo, quốc huy in trên sổ hồng sẽ được thu nhỏ đặt ở góc trái trang 1, thay vì chính giữa như hiện tại.
Theo dự thảo thông tư của Bộ TN&MT, sổ hồng do Bộ TN&MT phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất.