Liên tiếp nhiều ngày gần đây, các đoàn thanh tra chuyên ngành đã phát hiện các cơ sở y tế, các bệnh viện (BV) có vấn đề về nước thải chất thải, về vệ sinh, về an toàn thực phẩm trong căn tin và cả nguồn thuốc chữa bệnh. Đó không phải là các bệnh viện nhỏ, thuộc tuyến dưới, ít bệnh nhân mà là những BV lớn, trong đó có cả bệnh viện thuộc tuyến cuối cùng.
Vi phạm từ nguồn thuốc, thực phẩm tới nước thải
Gây chấn động nhất đối với người bệnh là thông tin thuốc từ toa của y bác sĩ, từ kho của BV, cấp phát tại giường bệnh nhân không hẳn đã an toàn. Cơ chế đấu thầu, cung cấp thuốc của Sở Y tế TP.HCM lâu nay vẫn bị các BV kêu ca, từ nguồn cung cấp đến chất lượng, giá thành thuốc. Vậy mà vụ việc nổi cộm nhất mới được phát hiện là một công ty Đông dược giả mạo, sửa đổi đơn nhập khẩu dược liệu từ năm 2013 để đấu thầu cung cấp dược liệu cho gần 100 BV tại TP.HCM. Trong cơn cùng quẫn đau đớn của bệnh tật, người dân chỉ còn biết đặt lòng tin nơi thầy thuốc. Năng lực và ý thức quản lý nguồn dược liệu, nguồn thuốc điều trị theo kiểu vô trách nhiệm như trên có thể coi như một cách giết cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh.
Những thân nhân và các sản phụ tại BV Từ Dũ chắc phải giật mình khi biết căn tin BV này vừa bị phát hiện không bảo đảm quy định về địa điểm và khoảng cách an toàn giữa thực phẩm phục vụ bệnh nhân với các nguồn gây độc hại, nguồn ô nhiễm. Với mật độ tập trung bệnh nhân, người nhà đông, với vị trí ở ngay quận trung tâm nội thành, khó mà mở rộng diện tích vào đâu được nữa, sự quá tải của địa điểm này là điều dễ thấy. Cho dù căn tin có bị phạt (mức tiền phạt là 2 triệu đồng!) thì cũng khó hình dung BV sẽ khắc phục thế nào để đảm bảo nguồn gây hại cách xa nguồn phân phối thực phẩm. Tương tự, các căn tin của Cơ sở 2 BV ĐH Y Dược TP.HCM, BV Mắt TP.HCM… đều bị phát hiện không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Căn tin của Cơ sở 2 BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Mắt TP.HCM… đều bị phát hiện không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: HTD
Người bệnh nằm bên nguồn bệnh
Bước ra trước cổng các BV là các dãy hàng thức ăn nhếch nhác, không rõ nguồn gốc, bán suốt 24/24 giờ không ai biết món nào còn hạn dùng, món nào hết hạn. Người bệnh và thân nhân vẫn nghĩ thôi thì vào căn tin của BV, giá cả có thể đắt hơn nhưng đảm bảo thực phẩm được quản lý, có người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các căn tin BV thường được tổ chức đấu thầu, giao khoán, lỏng lẻo kiểm soát nên người bệnh và thân nhân chỉ có thể hy vọng cái này đỡ bẩn hơn cái kia mà thôi.
Môi trường BV là môi trường đặc thù, ở đó khả năng nhiễm khuẩn, lây lan cao gấp nhiều lần môi trường bình thường. Người dân đã bệnh tật, đến BV chữa trị lại phải gánh thêm bệnh tật từ nguồn lây nhiễm này. Sự kiểm soát, quản lý không chặt chẽ, thậm chí thiếu trách nhiệm của BV lẫn cơ quan quản lý khiến nguồn bệnh có cơ hội phát tán. Người nhiễm bệnh phải quay lại BV điều trị, kéo theo người nhà chăm sóc, cũng chính là kéo theo những người có thể nhiễm bệnh mới. Cái vòng luẩn quẩn này gây tốn kém chi phí cho cả cơ quan y tế lẫn người bệnh đã đành, nó còn làm suy yếu một phần lực lượng lao động của toàn xã hội. Khi nguồn lợi kinh tế từ bếp ăn, từ cung cấp nhu yếu phẩm trong bệnh viện lấn át ý thức trách nhiệm khám chữa bệnh, y đức cũng bị sứt mẻ, lu mờ.
Thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cho người bệnh là một phần của phác đồ điều trị nhưng đã xa rồi cái thời căn tin hay khoa dinh dưỡng của BV tham gia vào phác đồ này. Điều kiện kinh tế của bệnh nhân, của xã hội đã tốt hơn, phần này được chuyển cho gia đình người bệnh. Nhưng nếu BV hoàn toàn bỏ lửng, không kiểm soát nguồn gốc, chất lượng của thực phẩm trong bếp ăn của căn tin thì trong khi y bác sĩ hết sức, hết lòng tận tâm cứu chữa, nguồn vi trùng, vi khuẩn độc hại ào ào đổ vào bệnh nhân qua đường ăn uống hít thở, thậm chí qua đường nước thải từ BV đi ra! Người chữa bệnh và người gây bệnh ở sát gần nhau, lộn quanh trong một trò đùa với sức khỏe.
“Bảo vệ sức khỏe của nhân dân” là nhiệm vụ được nhấn mạnh của ngành y tế. Cơ chế thị trường rõ ràng có những tác động tiêu cực đến hệ thống chăm sóc y tế nhưng việc quản lý cho tốt một căn tin trong BV không phải là nhiệm vụ quá khó đối với các nhà quản lý BV. Việc xử lý nước thải thì buộc phải làm vì đó là yêu cầu để không gây bệnh cho dân. Việc vì sao công ty trên trót lọt qua các vụ đấu thầu thuốc cũng phải làm cho rõ. Xin đừng đùa giỡn với sức khỏe người dân như thế!
Theo Sở Y tế TP.HCM, BV ĐH Y Dược (Cơ sở 1) có kết quả xét nghiệm nước thải đầu ra không đạt chỉ tiêu amoni. BV Đa khoa Hồng Đức không đạt chỉ tiêu pH. Nước thải của BV Truyền máu huyết học (Cơ sở 2), Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Đa khoa Sài Gòn, Tai Mũi Họng, Mắt không đạt một số chỉ tiêu và đều không có giấy phép xả thải hoặc giấy phép xả thải đã hết hạn. |