Sở Y tế Cần Thơ chỉ đạo làm rõ vụ cắt thận

Hiện vụ việc được chuyển về cho lãnh đạo BV Đa khoa TP Cần Thơ xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Nếu bệnh nhân tiếp tục khiếu nại thì lúc đó phía Thanh tra Sở sẽ giải quyết”. Về phía BV, BS Cao Duy Hiệp, Trưởng khoa Nội, cho biết: “Theo chỉ đạo của Sở Y tế, sáng 12-12, hội đồng khoa học công nghệ của BV sẽ họp cùng ban giám đốc và bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân để làm rõ vụ việc và đưa ra kết luận, đồng thời có báo cáo giải trình với Sở cũng như trả lời báo chí”.

Trước đó, ngày 1-12, chị Hứa Cẩm Tú (37 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) nhập viện điều trị tại khoa Ngoại thận-Tiết niệu của BV này. Ngày 5-12, bác sĩ chụp CT, thông báo cho chồng chị Tú biết thận trái của vợ anh ứ nước độ 3 có sạn nên phải mổ, còn thận phải tốt. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, vợ anh bị biến chứng, phù nề, đi siêu âm mới biết vợ anh không còn quả thận nào vì đã bị cắt hết!

Theo anh Nguyễn Thiện Trí - chồng chị Tú, anh đã thắc mắc việc bác sĩ phẫu thuật cắt luôn thận phải của vợ anh nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng mà phía BV còn đề nghị anh đăng ký cho vợ chạy thận định kỳ. Sau đó do anh phản ứng gay gắt vì sức khỏe vợ anh yếu nên BV đã tiến hành chạy thận cho vợ anh vào ngày 8-12.

Anh Trí cho biết anh được lãnh đạo BV cho biết đây là rủi ro nghề nghiệp. Chị Tú có quả thận hình móng ngựa. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ nội soi để điều trị sỏi thận cho chị. Tuy nhiên, trong quá trình mổ, thận của chị Tú chảy máu quá nhiều nên kíp mổ quyết định chuyển sang mổ hở để cầm máu. Mặc dù các bác sĩ đã làm mọi cách nhưng vẫn không cầm máu được. Đây là trường hợp bất khả kháng, nếu không cắt luôn quả thận kia chị Tú sẽ chảy máu nhiều và chết trên bàn mổ. BV hứa với anh sẽ cho chị Tú chạy thận miễn phí, hỗ trợ gia đình… nhưng anh không đồng ý với cách giải quyết này. Anh bày tỏ: “Dù có đưa bạc tỉ ra cũng không thể đánh đổi được sức khỏe của vợ tôi. Tôi yêu cầu phải làm rõ sự việc và xử lý theo pháp luật, đồng thời BV phải có trách nhiệm đối với tình trạng sức khỏe của vợ tôi hiện nay và sau này”.

Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự, đây là vấn đề thuộc quyền nhân thân của cá nhân được luật pháp bảo vệ. Việc gây mê, cắt mổ, cấy ghép bộ phận cơ thể phải được sự đồng ý của người bệnh. Cho nên việc cắt bỏ luôn thận phải mà không được sự đồng ý của người bệnh hay thân nhân, tức đã xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, luật quy định những hình thức xử lý khác nhau. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Còn vấn đề xử lý theo quy định của ngành y thì tùy theo mức độ vi phạm, BV có hình thức xử lý kỷ luật riêng.

Về trách nhiệm hình sự, hiện nay Bộ luật Hình sự có hai tội có thể có liên quan đến hành vi trên. Đó là tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 108 và tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo Điều 109. Đối với tội phạm quy định tại Điều 109, luật đòi hỏi hành vi vi phạm đó phải do không tuân thủ quy tắc nghề nghiệp. Vấn đề ở đây, theo tôi, không phải là do không tuân thủ quy tắc nghề nghiệp, mà có thể do cẩu thả, không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra tổn hại cho sức khỏe của người khác, nên nếu tỉ lệ thương tật của chị Cẩm Tú từ 31% trở lên thì có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 108 Bộ luật Hình sự. Dĩ nhiên, trong mọi trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định đối với nạn nhân mới biết có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, về tội gì. Còn trong trường hợp này, mọi việc vẫn phải chờ kết luận chuyên môn từ BV cụ thể như thế nào.

Luật sư TRẦN THANH PHONG, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới