Trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 27-4, đại diện UBND TP Sóc Trăng cho biết: Sau khi được tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất năm 2017 mà theo đó khu đất của ông Ngọ sẽ là đất ở đô thị, TP sẽ cho phép chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở và cấp giấy phép xây dựng (GPXD) để ông Ngọ tiếp tục hoàn thành công trình.
Sự tồn tại của biệt thự ông Ngọ và các biệt thự trái phép tương tự của một số quan chức ở nhiều nơi cho thấy nhiều cán bộ đang mắc ba “bệnh mạn tính”.
Thứ nhất là thiếu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.
Muốn xây nhà hợp pháp thì phải có đất ở hợp pháp (nếu đang là đất nông nghiệp thì phải xin chuyển sang đất ở) và có GPXD. Ấy thế mà biệt thự của ông Ngọ vẫn thản nhiên “mọc” lên từ hai hành vi vi phạm cụ thể: Tự ý “hô biến” đất nông nghiệp sang đất ở và xây dựng nhà ở không có GPXD trên đất không được phép xây dựng.
Tạm không có ý kiến đúng, sai về mức phạt tiền (theo thông tin trên báo chí thì ông Ngọ bị phạt hơn 6,2 triệu đồng trong khi theo khoản 7a Điều 13 Nghị định 121/2013 thì riêng vi phạm thứ hai đã có mức phạt 40-50 triệu đồng), chỉ xin được bàn về căn cứ pháp lý để UBND TP tha bổng biệt thự của ông Ngọ.
Viện dẫn khoản 2 Điều 12 Nghị định 180/2007, đại diện UBND TP cho biết đồng thời với việc phạt tiền, cơ quan này còn ra quyết định đình chỉ thi công. Theo điều khoản này, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ thi công, chủ đầu tư có 60 ngày để xuất trình GPXD. Chỉ khi quá hạn mà không có giấy phép thì mới bị cưỡng chế phá dỡ. Và như thông tin đã nêu ở phần đầu bài, do sẽ được gấp rút cấp phép chuyển thành đất ở theo quy hoạch “mới cáu” và tiếp đó là cấp GPXD nên chủ biệt thự sẽ kịp làm các thủ tục và không phải tháo dỡ.
Lại lần nữa tạm không xem xét Nghị định 180/2007 còn hiệu lực pháp luật hay không mà UBND TP lại dẫn chiếu vì nghị định này hướng dẫn Luật Xây dựng cũ mà Luật Xây dựng cũ thì đã hết hiệu lực vào cuối năm 2014. Cứ cho là nghị định này vẫn còn hiệu lực theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì vẫn phải lưu ý đối tượng được điều chỉnh bởi khoản 2 Điều 12 là những công trình không có GPXD nhưng đủ điều kiện để cấp GPXD. Điều kiện này phải xét theo thời điểm vi phạm được phát hiện, tức ở hiện tại chứ không phải thời tương lai. Đơn cử, lúc xây dựng không phép thì “công trình đó phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc công trình xây dựng trên đất ở...”.
Với các mô tả ở trên thì biệt thự của ông Ngọ hoàn toàn không thuộc diện này. Vậy UBND TP vô tình hay cố ý nhầm lẫn trong áp dụng luật để ông Ngọ được hợp thức hóa vi phạm?
Thứ hai là phân biệt đối xử giữa quan với dân.
Khi bị báo chí phát hiện, chính quyền xã, huyện thường cho biết do cả nể đâm ra lơi lỏng, thay vì “dập tắt” ngay từ đầu đã để công trình dần được hoàn thành trong thời gian dài. Hóa ra nhà của quan được biệt đãi, còn nhà dân thì đừng hòng.
Thứ ba là né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lên trên.
Trong rất nhiều vụ vi phạm, dù đã được pháp luật cho phép với đầy đủ quy định kèm theo nhưng nhiều người có quyền hạn vẫn không căn cứ vào đó để mạnh tay xử lý. Ít khi các cán bộ phụ trách địa bàn hay những vị có nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng bị chế tài thích đáng vì đã thiếu trách nhiệm nên tạo điều kiện cho vi phạm “bùng nổ”. Ngoài ra, cấp xã hay đẩy việc lên cấp huyện, cấp huyện chờ cấp tỉnh chỉ đạo, còn cấp tỉnh thì xin ý kiến Chính phủ khiến vụ việc bị kéo dài.
Dẫu biết rất khó dứt dạt nhưng nhất định ba bệnh trên phải có các liều thuốc đặc trị. Để đảm bảo kỷ cương, đúng ra công trình trái phép như trên cần phải bị dỡ bỏ nhưng Sóc Trăng đã làm ngược lại. Từ giải trình của ông Ngọ “phải xây trước vì hợp tuổi”, chẳng lẽ mọi người đành ngậm ngùi khen thầy phong thủy nào đó quá giỏi vì quả thật nhà trái phép của ông đã không gặp điều xấu từ hóa giải lệch lạc của chính quyền.
Đối xử “thân thiện” với quan như vậy, dân bắt chước vi phạm hà rầm thì còn đâu kỷ cương, phép nước.