Chiều 7-4, Ban chỉ đạo (BCĐ) đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (BCĐ 896) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ.
Lo ngại lãng phí khi bốn bộ cùng làm dữ liệu
Báo cáo của Văn phòng BCĐ 896 cho thấy đến nay, việc thu thập thông tin dân cư vẫn chưa hoàn thành do khó khăn khi người dân đăng ký thường trú ở địa phương này nhưng thực tế đang cư trú ở địa phương khác; phải điều chỉnh thông tin về nơi cư trú của công dân do việc sáp nhập, chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề cập đến việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp trong xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến việc thu thập thông tin dân cư, nhất là các trường hợp phải đăng ký lại khai sinh, cải chính hộ tịch. Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) cần báo cáo về việc xử lý khó khăn, vướng mắc trong xác định và ghi thông tin tôn giáo khi thu thập thông tin dân cư. Ủy ban Dân tộc báo cáo về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với việc xác định và ghi thông tin về dân tộc…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ lo ngại về sự “trùng lặp, lãng phí lớn” nếu bộ, ngành nào cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như cách chúng ta đang thực hiện. Ông dẫn chứng: Bộ Công an đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Bộ Xây dựng cũng xây dựng hai cơ sở dữ liệu liên quan đến cá nhân; Bộ Giáo dục cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu của hàng chục triệu học sinh cũng như hàng triệu giáo viên…
Từ “bức tranh” này, Thứ trưởng Ngọc cho rằng nhiều thông tin liên quan đến cá nhân sẽ có sự trùng lắp và đề nghị trưởng BCĐ chỉ đạo công tác này, để làm sao khi đầu tư sẽ hiệu quả, tránh lãng phí.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: plo.vn
Công an đã về xã nên cần sớm sửa Luật Cư trú
Tại cuộc họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho hay đến hết tháng 3-2020, có 95% tổng số xã trên toàn quốc triển khai xong công an chính quy về xã; 61/63 tỉnh đã hoàn thành 100%, chỉ còn Quảng Ngãi, Nghệ An. Ông đánh giá đây là việc làm rất quan trọng để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý và làm “sống” các dữ liệu.
Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng: Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc điều tra để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước đang cư trú tại địa phương từ ngày 7 đến 24-3-2020, chỉ trong 48 tiếng đồng hồ, lực lượng công an đã thống kê, rà soát được ngay, đó chính là nhờ lực lượng ở cơ sở. Nếu không có lực lượng này sẽ không thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đánh giá khi hoàn thành cơ bản bước đầu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo thuận lợi và tiết kiệm ngân sách cho nhiều chiến dịch tổng điều tra cơ bản khác. Trong khi thời gian qua, nhiều cuộc điều tra “rất không chính xác” vì không có hạ tầng cơ sở để đối chiếu. Ông mong muốn sớm sửa đổi các luật, nghị định, thông tư liên quan, đặc biệt là sửa Luật Cư trú.
Đại tướng Tô Lâm cho rằng cơ sở dữ liệu về dân cư tổng hợp rất nhiều dữ liệu khác, là cơ sở dữ liệu gốc quan trọng để triển khai các dữ liệu như hộ tịch, nhà ở, y tế, bảo hiểm, ngân hàng… “Chúng tôi xác định dự án cơ sở dữ liệu về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn, đặc thù, triển khai với phạm vi trên toàn quốc và thực hiện trong thời gian ngắn và mục tiêu hướng tới là dịch vụ công trực tuyến, là chính phủ điện tử” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
15 triệu là số thẻ căn cước công dân được Bộ Công an cấp cho công dân (từ đủ 14 tuổi trở lên) tại 16 tỉnh, TP trong thời gian từ năm 2012 đến nay. Cùng với đó, đã tổ chức cấp hơn 3 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 60 tỉnh, TP. |
Có dữ liệu thì giấy tờ cho dân mới đơn giản
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, cũng là năm cuối thực hiện Đề án 896. Trong khi đó, để thực hiện đề án thành công vẫn còn ba nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ rất quan trọng, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu này và ban hành văn bản thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các nghị quyết của Chính phủ.
Ông cũng nhắc nhở các bộ, ngành trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan để tạo hệ thống dữ liệu quốc gia phong phú nhưng các dữ liệu này phải được kết nối, chia sẻ chung, không để lãng phí, không tích hợp được. Từ đó các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ hộ tịch, căn cước của công dân mới được thông suốt, đơn giản hóa từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã…
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Vì vậy, ông yêu cầu Bộ Công an cần khẩn trương thực hiện các bước xây dựng cơ sở dữ liệu này để đưa vào vận hành, thử nghiệm cuối năm 2020, sử dụng, khai thác từ năm 2021, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022-2025.
Cấp số định danh công dân phải chính xác Trong kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định. Quá trình nhập dữ liệu công dân, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các địa phương để bảo đảm thông tin chính xác. Đối với các trường hợp thiếu, sai sót thông tin, hai bộ chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan thông tin cho công dân và phối hợp chặt chẽ với công dân trong đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác trước khi cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. |