Chiều 14-10, tại Hà Nam, hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện Đề án 06 được tổ chức nhằm đẩy mạnh các mặt công tác và tiện ích của Đề án đối với người dân và doanh nghiệp.
Hà Nam là một trong số các địa phương triển khai thí điểm triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an). Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo báo cáo, tính đến nay, Công an tỉnh này đã triển khai thực hiện 11/11 dịch vụ công. Trong đó, sáu dịch vụ công đạt kết quả tốt, trả lời đúng hạn 100% yêu cầu, gồm: xác nhận số CMND; cấp lại, đổi thẻ CCCD; khai báo tạm vắng; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú và thông báo lưu trú.
Ba dịch vụ kết quả bước đầu còn hạn chế, gồm: đăng ký mẫu con dấu mới, đăng ký lại mẫu con dấu và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; Thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy.
Hai dịch vụ đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia, gồm: thu tiền phạt nguội trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký.
Ngoài ra, tỉnh Hà Nam còn có 9/11 dịch vụ công thuộc các sở, ngành đạt kết quả và giải quyết đúng thời hạn đạt 100%; ba dịch vụ công thiết yếu đang triển khai; hai thủ tục liên thông chưa thực hiện được giải quyết liên thông…
Đặc biệt, Công an tỉnh đã cấp hơn 705.000 thẻ CCCD gắn chip (đạt 93,52%) cho người dân; thu nhận hơn 110.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Tính đến ngày 10-10, dữ liệu thẻ BHYT đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 342.000 người; đã có 50 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng CCCD gắn chip để khám, chữa bệnh.
Tại hội nghị, các đơn vị ký kết trong việc triển khai Đề án 06 thời gian tới. Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh bằng cách triển khai các mô hình điểm của dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư, trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa.
Lực lượng sẽ bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn công dân thực hiện đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ công mà không cần nộp hồ sơ trực tiếp; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị định danh và xác thực điện tử cho khối tài chính - ngân hàng, viễn thông nhằm tránh hoạt động lừa đảo, giả mạo, giảm tình trạng phạm tội trên địa bàn tỉnh...
Cùng với đó là phát huy ứng dụng VNeID để triển khai các tiện ích phục vụ dịch vụ công, công dân số, tiện ích phát triển kinh tế - xã hội; bao gồm việc triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng này.
Cũng tại Hội nghị, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đề nghị Công an tỉnh Hà Nam sớm triển khai kết nối cơ sở dữ liệu của các sở, ngành với dữ liệu quốc gia về dân cư; cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo các cấp; có khó khăn là phải tìm hướng giải quyết ngay, không để trôi việc...
Đồng thời, công an tỉnh cần sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định quy định về các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, để đáp ứng việc bỏ sổ hộ khẩu vào năm 2023. C06 sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai các công việc nhằm tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện Đề án 06.