Ngày 18-2, 16 bang ở Mỹ đã cùng đệ đơn kiện chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, CNN đưa tin. Cuối tuần qua, Trung tâm Đa dạng sinh học, tổ chức Mạng lưới biên giới vì nhân quyền, Liên đoàn Tự do công dân Mỹ cũng đâm đơn kiện chính phủ Trump về việc này. Hầu hết đơn kiện đều cáo buộc ông Trump luồn lách Quốc hội để tìm nguồn tiền xây tường.
Hứng hàng loạt thách thức từ dân tới quan
Trong các đơn kiện ông Trump có đơn của một nhóm môi trường ở bang Texas giáp biên giới với Mexico, cáo buộc ông Trump vi phạm Hiến pháp Mỹ. Hiện hàng loạt chủ đất dọc biên giới bang Texas-Mexico đang chỉ trích chính phủ Mỹ định cướp đất của họ. Khu vực này có hàng ngàn nhánh sông nhỏ từ phía Nam Texas chảy về vịnh Mexico. Một bức tường có thể sẽ giống một con đập nhốt dòng nước từ phía Mỹ và có thể làm phức tạp chuyện chia sẻ dòng nước giữa dân Mỹ và dân Mexico. Theo CNN, làn sóng đơn kiện sẽ chưa dừng ở đây.
Cùng ngày 18-2, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết ông sẵn sàng rút hàng trăm vệ binh quốc gia khỏi biên giới bang này với Mexico, phản ứng với quan điểm của ông Trump rằng đang có một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia phát sinh từ đây.
Hiện California có 360 vệ binh quốc gia ở biên giới với Mexico. Lượng vệ binh quốc gia này được người tiền nhiệm của ông Newsom - Thống đốc Jerry Brown triển khai đến biên giới từ tháng 4-2018 sau một thỏa thuận với chính phủ Trump rằng lượng binh sĩ này có nhiệm vụ chống tội phạm băng nhóm và buôn lậu nhưng không phải để thi hành luật nhập cư.
Thống đốc Michelle Lujan Grisham của bang New Mexico tuần trước yêu cầu phần lớn vệ binh quốc gia ở biên giới bang này với Mexico rút đi cũng vì phản đối chuyện ông Trump nói có khủng hoảng an ninh ở biên giới. Ông Trump nói biên giới với Mexico là lỗ thủng an ninh lớn, đặc biệt với buôn lậu ma túy và buôn người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối và cho rằng phần lớn các tệ nạn này lọt qua các cửa khẩu chứ không phải các khu vực biên giới không cửa khẩu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15-2, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: REUTERS
Quốc hội sẽ không để yên
Về chuyện đơn kiện, hiện có hai luồng ý kiến. Luật Khẩn cấp quốc gia của Mỹ cho phép các tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng một số nguồn quỹ mà bình thường nếu không có tình trạng khẩn cấp thì tổng thống không thể động tới. Vì thế, theo nhiều chuyên gia luật pháp, chuyện các bang, các tổ chức đấu với ông Trump không phải dễ.
Ý kiến khác, theo GS luật Noah Feldman tại ĐH Harvard và là thư ký của Chánh án Tòa án Tối cao David Souter, chiếu theo luật Mỹ thì đúng là ông Trump có thể huy động tiền từ các quỹ phục vụ dự án xây dựng quân sự. Tuy nhiên, ông Trump không thể qua mặt Quốc hội về tài chính. Hiến pháp Mỹ không có điều khoản tình trạng khẩn cấp quốc gia nào cho phép tổng thống chi tiền vì các mục đích không được Quốc hội đồng ý. Nếu cố tình xây tường ngoài sự đồng thuận của Quốc hội thì ông Trump có thể bị luận tội vì vi phạm hiến pháp.
Ngoài các đơn kiện này, ông Trump cũng đang đứng trước nguy cơ bị các thành viên Dân chủ ở Hạ viện ra nghị quyết chung yêu cầu hủy bỏ tình trạng khẩn cấp. Nghị quyết chung này sẽ đến bàn ông Trump sau khi được Hạ viện và Thượng viện thông qua. Ngày 17-2, cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller nói ông Trump có thể sẽ lần đầu tiên dùng tới quyền phủ quyết của mình trong suốt thời gian làm tổng thống nếu các nghị sĩ buộc ông hủy bỏ tình trạng khẩn cấp. Trước đó, ngày 15-2, Ủy ban Tư pháp Hạ viện viết một lá thư đến Nhà Trắng yêu cầu ông Trump đưa ra các tài liệu luật pháp liên quan đến chuyện tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể hết hạn sau một năm, trừ khi tổng thống ra thông báo gia hạn, theo chuyên gia luật Robert Chesney làm việc tại Bộ Tư pháp và là giảng viên tại Trường luật Austin thuộc ĐH Texas. Mỗi sáu tháng, Quốc hội có thể cân nhắc có cần đưa ra nghị quyết chung yêu cầu hủy bỏ tình trạng khẩn cấp hay không.
2/3 người dân Mỹ phản đối ông Trump mở rộng quyền lực bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp, theo thăm dò của CNN công bố ngày 15-2, thời điểm ông Trump ra tuyên bố này. |
Không dễ huy động được tiền
Về lý thuyết, nếu các tòa án và Quốc hội không hành động, phong tỏa, ông Trump có thể chuyển tiền từ các quỹ vì các mục đích khác về mục đích xây tường biên giới.
Tuần trước, ông Trump đồng ý với kế hoạch chi 1,375 tỉ USD cho an ninh biên giới của Quốc hội, mức thấp hơn nhiều so với con số 5,7 tỉ USD ông yêu cầu để xây tường biên giới. Và với tình trạng khẩn cấp này, chính phủ Trump có thể sẽ rút 5,7 tỉ USD từ lượng tiền chi cho các dự án quân đội để xây tường biên giới.
Cuối tuần trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết sẽ cân nhắc chuyện rút tiền từ các dự án quân đội để xây tường, xem thử có cần thiết không, cũng như có cần phải triển khai lực lượng vũ trang hỗ trợ việc xây tường biên giới không. Tới thời điểm này Bộ Quốc phòng vẫn chưa nói các dự án có thể bị ảnh hưởng hay không.
Trong lúc ông Trump đang tìm mọi cách huy động tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico thì bên kia biên giới, rất nhiều trong gần 6.000 người di cư Trung Mỹ đã nản lòng, muốn từ bỏ giấc mơ vào Mỹ. Dòng người này xuất phát từ Honduras và đến Bắc Mexico từ tháng 1-2018, phải vạ vật tại đây trong thời gian chờ Mỹ xét đơn xin tị nạn - một quá trình kéo dài. Tới lúc này có hơn 1.000 người đã chấp nhận đề nghị quay về nước từ chính phủ Mexico. Hơn 1.000 người khác quyết định ở lại Mexico, tờ The New York Times dẫn thông tin từ một số quan chức Mexico. |