Theo báo Ý La Stampa, cụ bà Morano sinh ngày 29-11-1899, hiện là người phụ nữ thứ hai cao tuổi nhất thế giới được biết đến, sau bà Susannah Mushatt Jones, người Mỹ, sinh trước bà Morano bốn tháng. Hai cụ là hai phụ nữ duy nhất nổi tiếng sinh vào thế kỷ 19 và hiện còn sống.
Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân khi biết rằng mẹ của cụ Emma Morano mất năm 91 tuổi, một người chị của cụ cũng sống đến 107 tuổi và hiện nay mẫu ADN của cụ đã được gửi đến ĐH Harvard để phân tích nghiên cứu. Song các chuyên gia cho rằng cụ sống thọ được còn là nhờ một lối sống lành mạnh, vệ sinh, cộng với tố chất năng động, có nghị lực và quả quyết trong tính cách của bản thân. Hiện cụ Morano vẫn sống trong một căn nhà nhỏ hai phòng và mới chỉ đồng ý có người giúp đỡ trong sinh hoạt từ năm ngoái đây thôi. Cụ khẳng định: “Có ý chí và nghị lực thì chúng ta có thể làm được tất cả những gì mình muốn”.
Cũng bằng tính cách mạnh mẽ mà cụ đã can đảm ly thân với người chồng luôn đánh đập mình sau khi đứa con duy nhất của họ qua đời lúc bảy tháng tuổi. Biết rằng vào năm 1938, luật tại Ý chưa cho phép ly dị. Khi đó cụ 39 tuổi và đã quyết định ra riêng ở một mình, tự lo liệu tất cả, “bởi vì tôi không muốn sống phụ thuộc vào bất cứ người nào khác”.
Cụ vào làm công nhân trong một xưởng dệt cho đến năm 75 tuổi mới nghỉ và gần như đã sống trọn đời trong một ngôi làng nhỏ yên tĩnh vùng cao, nơi có khí hậu trong lành, theo lời khuyên của bác sĩ khi cụ về già.
Năm 20 tuổi, cụ bị chứng thiếu máu và được bác sĩ chỉ định mỗi buổi sáng ăn hai quả trứng sống, một quả trứng luộc và đây là khẩu phần ăn uống mà cụ tuân theo cho mãi đến 110 tuổi mới thôi, tức là cụ đã ăn được tổng cộng gần 100.000 quả trứng trong suốt cuộc đời.
BS Carlo Bava là người chăm sóc sức khỏe cho cụ từ khi cụ bước vào tuổi 90, ông đến khám cho cụ theo định kỳ mỗi tháng một lần và mới đây đã khẳng định trên tờ The New York Times rằng sức khỏe của cụ Emma Morano đang rất tuyệt vời (theo tuổi già) và cụ rất thanh thản chấp nhận những suy nhược về tổng trạng cơ thể khi sức khỏe bị bào mòn theo thời gian. Ông nói: “Cụ rất vui vẻ ý thức được vận may mà cụ có được là đến giờ cụ vẫn còn sống khỏe”, rồi bác sĩ hóm hỉnh: “Nếu như tất cả bệnh nhân của tôi ai cũng được như cụ Morano thì có lẽ suốt ngày tôi chỉ có việc ngồi đọc báo mà thôi”.