Sống phải có lúc… nhảm nhí?

Bất cứ trò chơi, thú vui nào cũng rộ lên một thời gian rồi chấm dứt. Hết chạy theo trào lưu này lại lao theo trào lưu khác thì liệu có tích lũy được kiến thức, kỹ năng gì cho cuộc sống và công việc sau này?

Không chơi game thì chỉ đi… tán gái (!)

Tôi mới ra trường, xin việc mấy nơi rồi mà chưa có kết quả nên chơi bắt Pokémon cho vui. Có công việc rồi thì tôi sẽ chỉ chơi để giải trí thôi, khi nào chán sẽ bỏ. Không chơi Pokémon Go thì ở nhà tôi cũng ôm máy tính chơi game khác hoặc… đi tán gái chứ biết làm gì đâu. Trong khi mấy người khác chỉ biết ngồi một chỗ chém gió thì chúng tôi tụm lại chơi cùng nhau. Chúng tôi không nhậu nhẹt, không đập đá, mua sắm thì chúng tôi bắt Pokémon, thế thôi! Các nước phát triển người ta cũng chơi, không lẽ dân tình xứ đó nhảm nhí hết? Ở nước ngoài, trò chơi này còn chữa được bệnh tự kỷ, báo chí đã đưa rồi đó. Ở nhà ôm máy tính thì bị chửi, lên mạng lướt Facebook cũng bị chửi, giờ ra công viên chơi cũng nói này nọ. Sao… nhiều chuyện vậy?

LÊ MINH HƯNG, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM

“Trẻ không trải nghiệm, già ắt hối hận”

Mỗi người có sở thích riêng, phải tôn trọng ý thích của nhau. Tôi khoái ngồi quán mở laptop lang thang trên mạng, đọc các thông tin gây cười lẫn giật gân cho đời vui, tham gia vô các diễn đàn, bàn bạc chuyện diva này mắng sao kia, người đẹp này đá xéo người đẹp khác, hoặc lên YouTube coi các clip ca nhạc mới của thần tượng, bình luận bảo vệ người mình yêu mến trước những ý kiến châm chích. Tôi có thần tượng của tôi chứ và việc tôi tham gia bàn bạc về giới showbiz chẳng ảnh hưởng ai cả, vừa ngồi quán thoáng mát vừa được nghe nhạc, lại không tốn bao nhiêu tiền cho ly nước uống. Đi mua sắm không tốn tiền, tốn thời gian à? Giai đoạn nào chẳng có trào lưu, chẳng hạn ngày trước có mốt quần loe, tóc ngắn Mỹ Linh. Trẻ không trải nghiệm thì già ắt hối hận. Tôi còn trẻ, phải thử các thú vui chứ!

ĐẶNG YẾN LINH, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM

Ngồi quán cà phê hiện đại, lướt Facebook là một trào lưu của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Ảnh: HTD

Hồi xưa, không rõ vì sao tôi nhảm game

Tôi từng nghiện game đến nỗi bị đúp hai năm học. Tôi được gia đình sắm máy tính khi bắt đầu lên năm nhất đại học, đó là phần quà cha mẹ thưởng tôi thi đỗ. Bạn bè rủ nên tôi chơi game online. Ngày ít chơi bốn tiếng, ngày nhiều chơi 12 tiếng, thậm chí có những ngày tôi nghỉ học để chơi cùng bạn bè vì chúng tôi chơi đồng đội, thời gian học khác nhau. Cha mẹ quản lý rất nghiêm nhưng ban ngày hai người cũng phải đi làm, vậy nên tôi cứ chơi thoải mái. Tối, tôi giở sách ra đặt trên bàn ra vẻ chăm học, 21 giờ cha mẹ bắt đầu đi ngủ thì tôi “cày” game đến 2-3 giờ sáng. Đến năm thứ tư bạn bè gần ra trường, riêng tôi còn nợ rất nhiều môn. Tôi ra trường muộn hơn các bạn gần hai năm nhưng vẫn còn may mắn hơn thằng bạn học ĐH Giao thông vận tải Hà Nội bị đuổi. Ra trường với “lý lịch” bị đúp nên thời gian đầu tôi phải đi làm nhân viên bảo vệ, lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Trừ tiền xăng xe, đi lại, tôi chẳng còn bao nhiêu. Trước đó, có người ngỏ ý với cha mẹ sẽ tìm giúp tôi việc làm vì ngành công nghệ thông tin đang “hot” nhưng với “thành tích” học tập của tôi như vậy, cha mẹ chẳng dám nhờ cậy người ta. Giờ tôi đã may mắn tìm được công việc thu nhập kha khá, nhìn lại không biết sao ngày xưa lại mê mệt trò chơi đó đến vậy.

NGUYỄN TIẾN CHUNG, cựu sinh viên ĐH Thăng Long, Hà Nội

Ăn có nhai, nói có nghĩ…

Bất cứ trào lưu nào cũng phải có sức hấp dẫn, lôi cuốn, đánh đúng vào tâm lý của từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn, ở nước ngoài và cả ở Việt Nam, bộ phim hoạt hình Pokémon gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của họ, nó thấm vào trong máu rồi nên họ say mê không chỉ vì mục đích giải trí đơn thuần. Nếu nói đây là trào lưu sống hoàn toàn nhảm nhí thì tôi không đồng ý. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật… người ta vẫn chơi đấy thôi. Tất cả game ra đời trước hết đều bắt nguồn từ mục đích tích cực: tạo nên sự nhanh nhạy, xử lý linh hoạt, đáp ứng nhu cầu giải trí của con người sau những giờ học, làm việc căng thẳng. Nó không hoàn toàn có hại nếu biết sử dụng có chừng mực. Người già cũng chơi game mà. Đừng đổ lỗi cho game, quan trọng là cách thức chơi game!

Có trào lưu tốt thì cũng có trào lưu xấu. Thực tế có những bạn trẻ lên mạng khoe ngực, khoe thân, làm những động tác nhố nhăng… được nhiều người like, bình luận rồi bất ngờ nổi tiếng, được quảng bá, nhận show diễn, kiếm bạc tỉ. Vậy là nhiều bạn trẻ cũng bắt chước theo. Đó là trào lưu xấu, tạo nên sự lệch chuẩn trong xã hội. Hay trào lưu “săn ảnh xác chết”, nhiều người chuyên đi săn lùng những hình ảnh rùng rợn về tai nạn giao thông rồi quăng lên Facebook với các bình luận rất phản cảm. Lại có những người thấy người ta bị ném đá cũng nhảy vào ném theo dù chẳng biết đầu cua tai nheo. Trước một sự kiện, vấn đề dù chẳng có kiến thức, chẳng hiểu rõ nhưng vì muốn chứng tỏ mình nên họ cũng hùng hồn lên tiếng, thế là “anh hùng bàn phím” ra đời.

Khi bạn đăng một bức ảnh, một thông tin lên trang cá nhân của mình, nói là “trang cá nhân” nhưng khi ấy nó không còn là câu chuyện của một người nữa. Một người nói, triệu người nghe, nó vô tình tác động đến bạn bè, những người quan tâm bạn, thậm chí cả những người không like, không bình luận, không share nhưng vẫn nhìn thấy được, suy nghĩ của họ ít nhiều tác động. Không phải ngẫu nhiên ông cha có câu: “Ăn có nhai, nói có nghĩ” là vậy!

TS NGUYỄN THỊ TỐ QUYÊN, Phó Trưởng khoa
Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm