Sự điều chỉnh kịp thời để ổn định hoạt động đấu giá đất

(PLO)- Đất đai là tài nguyên có giá trị đặc biệt nên cần có một quy trình riêng với sự thống nhất, đồng bộ trong quy định pháp luật để tạo ra sự chặt chẽ, minh bạch thật sự trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần bốn tháng qua, sự kiện bán đấu giá thành công bốn lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP.HCM) với giá “khủng”, sau đó hai doanh nghiệp trúng đấu giá hủy cọc, hai doanh nghiệp còn lại xin trả góp đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Người dân bất ngờ vì lần đầu tiên nghe 1 m2 đất có giá lên đến 2,4 tỉ đồng. Giới đầu tư xôn xao, thậm chí bức xúc vì mức giá trúng đấu giá gây xáo trộn thị trường bất động sản. Các chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc rà soát cơ chế chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ). Vấn đề này cũng được nêu ra trong các cuộc họp của Chính phủ, đồng thời cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội.

Sau đấu giá, khu đất “vàng” 23 Lê Duẩn hiện được khai thác hiệu quả. Ảnh: MINH TÂM

Sau đấu giá, khu đất “vàng” 23 Lê Duẩn hiện được khai thác hiệu quả. Ảnh: MINH TÂM

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện 304 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá QSDĐ. Trong đó, Chính phủ giao các bộ Công an, TN&MT, Ngân hàng Nhà nước cùng UBND các tỉnh, TP rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tổ chức đấu giá QSDĐ trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Cùng đó, phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây mất ổn định thị trường.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất, tài sản công, tài chính, chứng khoán… Sự vào cuộc của hệ thống chính trị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm chấn chỉnh hoạt động bán đấu giá QSDĐ, ổn định thị trường bất động sản. Điều đó cho thấy giá trị đặc biệt của tài nguyên đất đai, nên cần phải có một quy trình riêng với sự thống nhất, đồng bộ trong quy định pháp luật để tạo ra sự chặt chẽ, minh bạch thật sự trong hoạt động đấu giá QSDĐ.

Hiện nay, việc đấu giá QSDĐ có giá tới hàng ngàn tỉ đồng cũng được thực hiện theo quy trình như các tài sản có giá trị vài chục triệu đồng. Điều này vô tình bỏ qua rất nhiều yếu tố để “siết” chất lượng nhà đầu tư, dễ tạo nhiều kẽ hở để các cá nhân, tổ chức có ý đồ trục lợi.

Ngoài ra, cũng cần phải nghiên cứu thêm về các chính sách thuế để đẩy mạnh việc sử dụng đất hiệu quả. Đồng thời để trả việc đầu tư bất động sản nói chung, QSDĐ nói riêng về đúng với bản chất của nó cần “hạ nhiệt” đầu tư bằng cách khai thông các kênh đầu tư khác.

Khi kinh doanh bất động sản cũng chỉ là một kênh đầu tư bình thường như nhiều kênh đầu tư khác thì thị trường bất động sản sẽ quay về với giá trị thực của nó và sẽ không còn những vụ đấu giá bất chấp giá để có thể mua được như đang có thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm