Sự thật về ‘việc nhẹ, lương cao’ nơi xứ người

Hiện nay có khá nhiều đường dây từ Malaysia, Singapore về nước tuyển các cô gái có ngoại hình sang làm việc với lời hứa hẹn việc nhẹ, lương cao. Tuy nhiên, phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, chị K., một lao động đã xuất ngoại theo đường này, cho biết thực chất các chị bị đưa vào quán bar, beer club… để ép “tiếp khách”.

Làm cật lực hoặc đánh đổi thân xác

Chị K. cho biết mình đi xuất khẩu lao động vì tin vào lời quảng cáo “chỉ phục vụ vài ba bàn là có hơn 2 triệu đồng/ngày”. Chi phí thấp, lại được ứng trước phí xuất cảnh nên nhiều người rất hào hứng. Thế nhưng ngay khi xuống máy bay, các cô gái bị thu hộ chiếu và nhận thông báo công việc là “tiếp khách”. Nhiều người hoảng hốt yêu cầu trả lại hộ chiếu, cam kết hoàn khoản tiền ứng (khoảng 15-20 triệu đồng) nhưng người dẫn đường từ chối.

Chị K. chỉ ra lao động nữ thường sang Singapore và Malaysia làm việc theo hai dạng. Một là dưới hình thức du lịch, trong thời gian 26 ngày lại về nước, sau đó sang lại. Đa phần nhóm này làm công việc phục vụ tại khách sạn, club... Dạng thứ hai là đi làm việc nghiêm túc như phục vụ bàn, đi hát với mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày. “Nhiều chị em có chuyên môn nghệ thuật kiếm tiền bằng nghề của mình được nhưng vì thiếu thông tin, rơi vào bẫy của các đường dây giăng sẵn nên thất thế ngay khi mới sang, đành chấp nhận làm để trả các khoản nợ trên trời rơi xuống rồi tìm cơ hội trốn thoát. Một số chị em mặc cảm bị lừa nên bặt tin với gia đình luôn” - chị K. nói.

Trả giá đắt vì lao động chui

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, thông tin: Cục khuyến cáo công dân Việt Nam nói chung và người lao động, đặc biệt là lao động nữ nói riêng không nên sang làm việc tại Malaysia theo hình thức visa du lịch.

Đây là hình thức lao động bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm như bị quỵt lương, bị đánh đập, rơi vào đường dây buôn bán người… và có thể bị cảnh sát bắt giữ.

Chính phủ Malaysia đang thực hiện chiến dịch truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp trên toàn quốc. Nếu lao động chui bị bắt giữ, ngoài việc phải nộp phạt có thể còn bị đưa ra tòa với án phạt trục xuất, thậm chí ngồi tù. Thông tin cá nhân của lao động đó sẽ được lưu trong cơ sở dữ liệu quản lý xuất nhập cảnh, có khả năng bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Malaysia.

Hiện nay, theo quy định tại bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước, người lao động Việt Nam muốn làm việc hợp pháp tại Malaysia phải đăng ký với các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp này chỉ được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi làm thủ tục đăng ký hợp đồng cung ứng lao động tại Cục Quản lý lao động ngoài nước và được Cục chấp thuận. Hiện nay, người lao động Việt Nam có thể sang làm việc hợp pháp tại Malaysia trong các ngành nghề như điện tử, sản xuất chế tạo (công nhân nhà máy), xây dựng, nông nghiệp (trồng trọt), dịch vụ (phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng).

Hai địa chỉ cần cho lao động Việt Nam tại Malaysia

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, khuyến cáo: Trong mọi trường hợp khi gặp phải sự cố, người lao động cần liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam hoặc Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia để được hỗ trợ; tuyệt đối không nghe theo sự hướng dẫn của các tổ chức, cá nhân tự xưng để tránh bị lừa đảo.

• Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia: No. 4 Persiaran, Stonor-50450, Kuala Lumpur; Tel: 00603.21484036; 00603.21483270; Fax: 00603.21483270.

• Ban Quản lý lao động và chuyên gia của Việt Nam tại Malaysia: Tel: 00603.21448634; 00603.21441302; 00603.21443423; 00603.21443930; Fax: 00603.21431404.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…