Sửa Luật BHXH: Cần lắng nghe ý kiến người lao động, doanh nghiệp

(PLO)- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý nhiều chiều, đặc biệt các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như doanh nghiệp, người lao động...

Chiều 6-3, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc với Thường trực cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đến thời điểm này, còn một số vấn đề vẫn băn khoăn như xử lý mối quan hệ giữa thực hiện cải cách chính sách tiền lương và một số quy định trong dự thảo luật.

Tiếp đó là những băn khoăn, tác động của việc bãi bỏ mức lương cơ sở; ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội; sự chênh lệch về mức đóng, mức hưởng giữa khu vực thực hiện cải cách tiền lương và khu vực tư; giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội ở các giai đoạn khác nhau…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến người lao động, doanh nghiệp.

Sau khi đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo tóm tắt một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung cho ý kiến, làm rõ những vấn đề được nêu trong báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội như: quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tác động của cải cách chính sách tiền lương đến các quy định có liên quan của dự thảo luật; các chế độ bảo hiểm xã hội có liên quan đến lĩnh vực y tế

Kết luận sơ bộ cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự luật. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính… đã giải trình và làm sáng tỏ nhiều vấn đề tại cuộc làm việc.

Với một số nội dung chưa trả lời, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần sớm có văn bản trả lời, làm rõ.

Thêm vào đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, hồ sơ và giải trình đầy đủ các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

“Ngoài ra, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý nhiều chiều của các cơ quan liên quan, của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như doanh nghiệp, người lao động... nhằm bảo đảm chất lượng dự thảo luật tốt nhất khi trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây”- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới