Sửa Luật Đất đai: Cần thống nhất 1 phương pháp tính giá đất

(PLO)- Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị chỉ nên có một phương pháp xác định giá đất thay vì năm phương pháp như hiện nay.

Sáng 21-9, báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” với sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, đại diện các sở, ban ngành TP.HCM, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) và một số người dân…

Bàn chuyện giá đất

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là giá đất. Nghị quyết 18-NQ/TW đặt ra yêu cầu về việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất là có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, như thế nào là giá thị trường, làm sao để xác định vẫn là một câu hỏi khó.

Quang cảnh buổi tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QL

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, nói: “Về giá đất, chúng tôi rất khổ tâm vì ách tắc. Nên có “phần cứng” là khung giá đất nhưng “phần mềm” là hệ số mềm (hệ số K) để điều chỉnh. Như vậy, TP.HCM và các tỉnh, TP dễ định giá đất”.

Theo ông Bé, cần phải giữ hệ số K để điều chỉnh giá đất theo chính sách của các tỉnh, TP. Đồng thời, để xác định được giá thị trường thì cần xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất.

Nói thêm, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết cách xác định giá thị trường phức tạp, vì thực tế rất nhiều khu vực giá đất là giá ảo, khó xác định được giá thực chất.

Về xác định giá đất, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện nay có tới năm phương pháp tính giá đất như theo vị trí, giá trị thặng dư, hệ số điều chỉnh... Đáng nói là cùng một đầu vào nhưng nếu áp dụng các phương pháp khác nhau thì giá cho ra chênh lệch nhau.

Vì vậy, ông đề nghị trong lần sửa đổi này cần tính toán quy định chỉ một phương pháp tính giá đất duy nhất mà thôi.

Ngoài ra, phó giám đốc Sở Xây dựng TP cũng đề cập đến vấn đề giá tính thuế chuyển nhượng đất. Nếu có một giá đất chung thì việc áp thuế 2% trên giá chung sẽ tốt hơn là căn cứ vào giá chuyển nhượng như hiện nay.

Liên quan đến việc tính thuế chuyển nhượng, trước đó Bộ TN&MT cũng cho biết đang nghiên cứu phương án không thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo hợp đồng mua bán công chứng mà tính theo bảng giá đất hằng năm, theo giá thị trường. Khi đó, việc thu thuế không còn phụ thuộc vào việc người dân khai thuế trên hợp đồng cao hay thấp nữa.

Đất vướng quy hoạch, người dân khó trăm bề

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tư, người dân có đất nông nghiệp ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, chia sẻ về nguyện vọng được cất nhà tạm để che mưa, che nắng trên khu đất bị vướng quy hoạch đã hơn 10 năm.

“Tôi nghỉ hưu đã lâu, tôi muốn xin xây một cái chuồng để nuôi gà, vịt tại phần đất nông nghiệp nói trên thì chính quyền địa phương cho biết bị vướng quy hoạch, không được xây dựng. Muốn xây nhà, tôi phải làm dự án trình lên UBND xã” - ông Tư bộc bạch.

Từ đó, ông mong muốn Nhà nước sớm tháo gỡ vấn đề quy hoạch với những khu vực đã “treo” quá lâu hoặc nếu chưa thì cần có chính sách, hướng đi cho người dân trong lúc chờ giải quyết.

Cần chính sách hậu tái định cư thật cụ thể

Ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC), Sở TN&MT TP.HCM, nêu quan điểm: TĐC không chỉ là lo chỗ ở, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mà cần có chính sách hậu TĐC một cách rõ ràng.

Chính sách này cần cụ thể các vấn đề về nhà ở, việc làm, thu nhập, y tế… cho những người dân phải chuyển đi khi Nhà nước thu hồi đất.

Ông Thơ nhấn mạnh chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC và hậu TĐC cần thời gian để đánh giá kết quả thực hiện. Về trình tự, quy định hiện nay chỉ có “khâu ở giữa” đề cập đến việc thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, TĐC; không có khâu chuẩn bị ban đầu và không có khâu thực hiện chính sách hậu TĐC để đạt mục tiêu người dân có nhà ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi Nhà nước thu hồi đất.

Ngoài ra, nguyên trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, TĐC cũng góp ý thêm quy định về việc bồi thường đất. Hiện nay Luật Đất đai năm 2013 quy định bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Tới dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có đưa vào quy định về việc được bồi thường bằng loại đất khác.

Ông Thơ đánh giá đây là một điểm rất tích cực, tuy nhiên vẫn cần phải làm rõ là bồi thường bằng đất khác thì cách thức thực hiện như thế nào, làm ra sao để có thể thực hiện trên thực tế.

Nên tiếp cận đất đai theo hướng đấu thầu

Đại diện DN tham gia tọa đàm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nêu quan điểm: Việc tiếp cận đất đai bây giờ là quá khó, thời gian lâu, ít nhất cũng mất ba năm từ thỏa thuận địa điểm, lập hồ sơ dự án trình duyệt. Hồ sơ phải đi qua rất nhiều sở, ngành, chỉ cần vướng một chỗ là tất cả phải dừng lại. DN mong muốn có cơ chế để thay đổi điều này, được tiếp cận đất đai dễ dàng hơn.

Cùng vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng cần tiếp cận đất đai theo hướng thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu. Đồng thời, cần sửa quy định về việc đấu thầu. Pháp luật về đấu thầu quy định khi nào không đấu giá được thì mới đấu thầu. Vì vậy, liên quan tới đất đai thì chỉ có đấu giá được chứ không đấu thầu được, chỉ có thể đấu thầu dự án đầu tư.

Theo phó giám đốc Sở Xây dựng, nếu là đất trống thì bắt buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất trước, tuy nhiên đấu giá lại không thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực. Ngược lại nếu đấu thầu, nhiều khi giá đất thấp nhưng nhà đầu tư lại đầu tư dự án tốt hơn nên được giá cao hơn. Vì vậy để phát triển đô thị, để làm đô thị thì nên đi theo hướng đấu thầu để chọn các dự án tốt nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới