Ngày 14-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đề nghị quy định giờ làm thêm cho cả năm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sỹ Lợi mở đầu hội thảo thông tin rằng hiện nay đã có 30 đoàn đại biểu (ĐB) QH cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Cơ bản các đoàn đều thống nhất với dự thảo mới nhất, chỉ còn hai vấn đề cần bàn thảo. Một trong số đó là vấn đề về giờ làm thêm.
Đại diện Tập đoàn Minh Phú nêu ý kiến: Bản thân Bộ luật Lao động 2012 không công bằng vì có chương về công đoàn nhưng không có chương nào về giới chủ.
Về vấn đề giờ làm thêm, đại diện Minh Phú nói: “Doanh nghiệp (DN) cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả thêm ít nhất 150% lương cho làm thêm giờ bình thường, 200% lương cho làm thêm giờ vào ban đêm, 300% lương làm thêm giờ cho những ngày lễ và 200% lương làm thêm vào ngày nghỉ. Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà DN không thể bán giá cao được”. Chi phí cao như vậy sẽ khiến năng lực cạnh tranh của DN giảm đi.
Mặt khác, việc tuyển dụng công nhân không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những khi DN luôn thiếu hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn công nhân. Vì vậy nên DN phải cho công nhân làm thêm để tránh bị phạt hợp đồng khi giao hàng không đúng thời hạn cho đối tác.
Đại diện Tập đoàn Minh Phú cũng cho hay: Thời gian làm thêm thực ra không phải diễn ra cả năm mà chỉ vào mùa vụ. “Quá nửa năm là lao động ít việc, tới làm việc 3-5 giờ/ngày, chúng tôi vẫn phải trả lương cho lao động. Trong khi đó, vào tháng mùa vụ nhiều đơn hàng thì theo quy định công nhân lại không được làm thêm vượt 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm” - Tập đoàn Minh Phú nói.
Từ đó tập đoàn này đề nghị “bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo tháng và tuần”, chỉ cần quy định bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày và không quá 500 giờ/năm.
Đại diện Tập đoàn Minh Phú cũng cho rằng: Công nhân là vốn quý của DN nên bản thân DN cũng đã phải chăm lo đến sức khỏe, cân đối công việc để bảo đảm sức khỏe cho người lao động và năng suất chung của công ty, tập đoàn.
Ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói rằng: Nếu quy định về giờ làm thêm theo tuần, tháng… thì sẽ có tới 82% DN vi phạm về giờ làm thêm. Điều này khiến khách hàng đánh giá chúng ta vi phạm và cắt đơn hàng.
Về số giờ làm thêm đối với ngành dệt may, ông Cẩm cho hay: “Giờ làm thêm 300 giờ/năm với chúng tôi đã là khó, nay có cả quy định về giờ làm thêm theo tháng hết sức ngặt nghèo. Vậy luật ban hành để làm gì? Để phục vụ DN chứ không phải làm ra để DN bị cắt hết hợp đồng” - ông Cẩm nói.
ĐBQH đề xuất phương án tăng thêm 100 giờ làm thêm cho các ngành đặc thù, thâm dụng lao động như ngành dệt may. Ảnh: PV
Làm thêm là nhu cầu
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng những lĩnh vực như thủy sản, chế biến nông sản có tính mùa vụ, không thể để nông sản, thủy sản chờ thời gian làm việc bình thường để làm mà bắt buộc phải chế biến ngay. Trong khi đó, thực tiễn DN đều trưng biển tuyển lao động nhưng không được.
“Đừng vì một người đau mà bắt cả làng uống thuốc” Có một số DN lợi dụng việc tăng giờ làm thêm nhưng đây là số rất ít. Không thể vì một người đau mà bắt cả làng uống thuốc. Không thể vì một số nhỏ DN lợi dụng mà bó buộc tất cả DN. Chủ tịch VCCI VŨ TIẾN LỘC |
“DN Nhật Bản còn phàn nàn không tuyển được lao động thì DN nào tuyển được. Cùng với đó, chi phí làm thêm giờ thì cao hơn lao động bình thường nên khi DN không thể tuyển lao động, lại vẫn phải thu mua nông sản cho người dân nên bắt buộc phải tăng giờ làm” - TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Ông Lộc nói rằng: Người lao động cũng muốn tăng giờ làm thêm và sẵn sàng làm thêm. Nhưng nếu áp quy định tại dự luật như hiện nay thì với thực tế này, DN Việt sẽ đối mặt với vi phạm quy định và các đối tác hủy hợp đồng. Những câu chuyện này là từ thực tế, từ đó đặt ra những vấn đề pháp luật.
Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Tôi rất buồn, trước QH tôi phải đấu tranh với các thành viên công đoàn khi nói có tình trạng đuổi lao động ra khỏi DN. Tôi phải khẳng định về mặt cơ bản, DN hiện chăm lo tới mức cao nhất cho người lao động. Chưa có thời điểm nào như thời điểm hiện nay”.
Ông Lợi khẳng định theo Điều 35 của Hiến pháp 2013 thì công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Ông Lợi thông tin: “Dệt may, da giày, thủy sản và ngành xuất khẩu chính, không thể đánh đồng tất cả ngành nghề. Do đó, chúng tôi đề xuất hai phương án, một là giữ nguyên, hai là cho tăng giờ làm thêm nhưng xem xét từng ngành nghề”.
Theo ông Lợi, hiện đã có 30 đoàn ĐBQH cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo có hai phương án về giờ làm thêm. Một phương án là giữ nguyên như luật hiện hành, một phương án là tăng thêm 100 giờ làm thêm cho các ngành đặc thù, thâm dụng lao động và yêu cầu Chính phủ đánh giá tác động.
“30 đoàn ĐBQH đồng ý cho phương án hai. Nhưng có vấn đề là ở chỗ tính lương làm thêm theo lũy tiến theo đề nghị của công đoàn. Tôi mà làm DN, nếu tính lương làm thêm lũy tiến kiểu đó tôi cũng chả làm” - ông Lợi nói và khẳng định lại sự ủng hộ phương án tăng thêm 100 giờ làm thêm/năm cho các ngành nghề đặc thù.
Doanh nghiệp nước ngoài đề nghị tăng giờ làm thêm Ông Mikanao Tanaka, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), đề nghị nới rộng thời gian làm thêm 200 giờ/năm lên mức cao hơn nữa. “Trong dự thảo mới nhất, thời gian cho một số ngành đặc thù lại quay về mức 300 giờ, chúng tôi kiến nghị sẽ nghiên cứu để giới hạn làm thêm lên mức 400 giờ/năm” - ông Tanaka nói. |