Sửa Luật Tổ chức TAND: Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là cần thiết

(PLO)- Việc tòa án giải thích áp dụng pháp luật sẽ giúp đương sự hiểu rõ được lý do mà tòa án đưa ra quyết định, cũng như có cơ sở để các chủ thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) do TAND Tối cao chủ trì soạn thảo lần đầu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ sáu vừa qua. Sau kỳ họp, dự thảo đang tiếp tục được tiếp thu, chỉnh lý.

Trong số các nội dung mới của dự thảo, quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án là “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” nhận được nhiều sự quan tâm.

Theo TAND Tối cao, “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” được hiểu là việc HĐXX giải thích, làm rõ trong bản án lý do áp dụng điều luật cụ thể trong hoàn cảnh, tình huống của vụ án.

Đây cũng là nhiệm vụ mà HĐXX đang thực hiện từ trước đến nay và việc luật hóa quy định này nhằm ràng buộc cao hơn trách nhiệm của HĐXX trong mỗi phán quyết.

HĐXX vụ án Việt Á. Ảnh: CTV

Đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể liên quan

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thẩm phán cho biết thực tiễn tòa án vẫn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Chẳng hạn, khi xét xử một vụ án dân sự năm 2023 nhưng tranh chấp từ năm 2011 thì phải áp dụng BLDS năm 2005 và các quy định liên quan chứ không áp dụng luật có hiệu lực thời điểm đưa vụ án ra xét xử (BLDS năm 2015). Khi đó, tòa án sẽ phải giải thích lý do vì sao áp dụng bộ luật này mà không áp dụng bộ luật kia và ghi vào bản án, giải thích rõ lý do áp dụng pháp luật để xét xử.

Cũng theo vị thẩm phán này, đây là điều mà HĐXX vẫn thường làm (tại phần nhận định của bản án sẽ giải thích, còn phần quyết định thì nêu căn cứ pháp lý) nên khi áp dụng sẽ không thêm việc cho thẩm phán so với hiện nay. Việc TAND Tối cao muốn luật hóa để buộc tòa án phải thực hiện và liên quan đến vấn đề minh bạch trong xét xử.

Từ đó, đương sự, bị cáo… có quyền yêu cầu, nếu tòa án không giải thích áp dụng pháp luật thì có quyền khiếu nại.

Hay theo một kiểm sát viên tại TP.HCM, thực tế việc giải thích áp dụng pháp luật của thẩm phán là làm rõ thêm các quy định đã có vì trình độ nhận thức của các đương sự không đồng đều. Góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Nêu quan điểm, ThS Huỳnh Quang Thuận, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết việc tòa án có nhiệm vụ, thậm chí là nghĩa vụ giải thích áp dụng pháp luật khi xét xử là cần thiết.

Bởi lẽ khi ra bản án, quyết định, tòa án cần có phần nhận định để đưa ra các lập luận nhằm mục đích chứng minh các quyết định mà tòa án đưa ra là phù hợp với quy định của pháp luật.

Các lập luận này chính là việc tòa án giải thích lý do tại sao lại áp dụng quy định cụ thể nào của pháp luật và trong một số trường hợp là giải thích điều luật cần được hiểu như thế nào (nếu điều luật chưa rõ ràng).

Việc quy định tòa án có nhiệm vụ giải thích pháp luật và phải được thể hiện trong bản án, quyết định sẽ giúp đương sự hiểu rõ được lý do mà tòa án đưa ra quyết định, cũng như có cơ sở để các chủ thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị.

Giải thích để bị cáo hiểu vì sao bị kết án

Khi tòa án xét xử một vụ án hình sự, ngoài việc áp dụng BLHS, HĐXX còn áp dụng các văn bản pháp luật khác điều chỉnh về hành vi vi phạm của bị cáo. Chẳng hạn như tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng thì tòa án còn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Do đó, việc giải thích áp dụng pháp luật trong từng vụ án là cần thiết, bởi có những bị cáo đến khi ra tòa vẫn không hiểu họ đã vi phạm điều gì. HĐXX cần giải thích cho bị cáo hiểu rõ về hành vi phạm tội của mình. Khi đã hiểu thì mới giảm nguy cơ tái phạm.

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cần nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng

Bên cạnh việc xem xét tính cần thiết của quy định nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng từ ngữ như trong dự thảo dễ gây nhầm lẫn sang thẩm quyền giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định tại Hiến pháp 2013. Dù tại tờ trình, cơ quan soạn thảo đã nhấn mạnh “Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền của UBTVQH”.

ThS Huỳnh Quang Thuận cho rằng cần phân biệt việc giải thích pháp luật của tòa án khi xét xử với việc giải thích pháp luật của UBTVQH.

Cụ thể, việc giải thích pháp luật của UBTVQH mang tính chất quy phạm pháp luật và có hiệu lực cho toàn xã hội. Còn việc giải thích pháp luật của tòa án khi xét xử chỉ đơn giản là cách hiểu và vận dụng pháp luật của tòa án trong vụ việc đang được xét xử, không có tính quy phạm pháp luật.

Nói thêm về vấn đề này, ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết theo lịch sử về giải thích hiến pháp thì chủ thể giải thích pháp luật ở Việt Nam là UBTVQH, cơ quan thuộc hệ thống cơ quan lập pháp của Nhà nước.

Trước đây, khái niệm “giải thích áp dụng pháp luật” chưa được quy định ở bất cứ đâu và không có các nguồn giải thích đáng tin cậy để cho thấy nội hàm của thuật ngữ trên.

Theo ThS Hiếu, trong từ điển Oxford: Giải thích luật là quá trình mà thẩm phán quyết định ý nghĩa của các từ trong luật, để áp dụng chúng vào các tình tiết trong vụ án và đưa ra quyết định. Đây là định nghĩa của một nước theo hệ thống thông luật, cơ quan lập pháp ban hành các văn bản mang tính chất chung chung, còn tòa án có vai trò lớn trong việc áp dụng và giải thích luật.

Tuy nhiên, ở các nước theo hệ thống luật lục địa (tương đồng Việt Nam) thì họ cũng có thể cho phép tòa án giải thích luật nhưng ở một mức độ nhất định.

Trên thực tế, một số tòa án ở Việt Nam trong một số vụ án vẫn tiến hành giải thích luật. Tuy nhiên, việc giải thích không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Ví dụ, việc giải thích đó đi ngược lại với tinh thần của luật, không phản ánh được tinh thần của nhà làm luật hoặc thậm chí các quy định đã rõ ràng nhưng tự tiện giải thích, làm méo mó quy định của luật.

Theo ThS Hiếu, giải thích áp dụng pháp luật vẫn có thể gây nhầm lẫn về thẩm quyền với UBTVQH. Do đó, cần nghiên cứu và giải trình kỹ lưỡng; cần làm rõ khái niệm, thẩm quyền, phạm vi và các quy định có liên quan trong việc áp dụng… như vậy mới có thể đảm bảo tính hiệu quả, chính xác và khoa học.

Có như vậy mới tránh việc “lợi bất cập hại” như sự giải thích tùy tiện, chuyên môn nghiệp vụ chưa chắc chắn nhưng vẫn cố giải thích, giải thích mang tính chủ quan, thiên vị…•

Thực tiễn “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” hiện nay

Bị cáo Nguyễn Thành Quốc Bảo. Ảnh: HOÀNG YẾN

Tháng 11-2022, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Tiến Công trong vụ hai bị cáo này dùng súng bắn người bị thương, do mâu thuẫn tình cảm.

Bản án sơ thẩm tuyên hai bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích, tuy nhiên bị kháng nghị với quan điểm hai bị cáo dùng vũ khí có khả năng sát thương, nguy hại tính mạng, sức khỏe của bị hại nên đã phạm vào tội giết người.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo không đồng ý với kháng nghị. Chiến cho rằng nếu mình muốn giết bị hại thì bắn lên đầu nhưng bị cáo chỉ bắn hướng xuống dưới, gây thương tích thấp nên phạm tội cố ý gây thương tích.

Giải thích với bị cáo, HĐXX cho biết hai bị cáo dùng súng có khả năng sát thương, gây chết người để bắn bị hại. Bị hại không có khả năng chống đỡ và hai bị cáo nhận thức hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện quyết liệt và hậu quả chưa xảy ra nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội giết người thay vì tội cố ý gây thương tích. Từ đó, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Hay theo Bản án 590/2020/HS-PT ngày 18-12-2020, TAND TP.HCM tuyên bị cáo Nguyễn Thành Quốc Bảo phạm tội cướp giật tài sản.

Theo nội dung vụ án, do không có tiền tiêu xài, Bảo đặt mua điện thoại online, chuẩn bị sẵn một số xấp tiền âm phủ lẫn tiền thật. Khi nhận hàng, Bảo sẽ đưa xấp tiền này cho người giao hàng và lợi dụng sơ hở điều khiển xe tẩu thoát.

Giải thích cho tội danh đã tuyên, phần nhận định của bản án nêu rõ, HĐXX cho rằng bị cáo dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt, các bên đang thực hiện hành vi giao nhận hàng và việc chuyển giao tài sản này chưa hoàn thành, tài sản vẫn đang trong tầm quản lý của bị hại thì bị cáo đã lái xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo là cướp giật tài sản.

HĐXX xét thấy bản án sơ thẩm tuyên tội cướp giật tài sản là có căn cứ. Từ đó, không chấp nhận kháng nghị về việc xét xử bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới