Trước đó, ngày 11-8, Ủy ban Tư pháp đã có báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về dự luật như: Địa vị pháp lý, sự tham gia của VKSND trong tố tụng hành chính; những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa; phân định thẩm quyền của tòa cấp huyện và tòa cấp tỉnh; người đại diện; bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ; thẩm quyền của HĐXX giám đốc thẩm và thành phần xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục rút gọn... Cụ thể:
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa: Ủy ban Tư pháp đề nghị mở rộng thẩm quyền của tòa theo hướng giải quyết các khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
Một số ý kiến khác không đồng tình vì cho rằng việc mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức sẽ dẫn đến tình trạng tòa can thiệp sâu và gây cản trở hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính.
Về phân định thẩm quyền của tòa cấp huyện và tòa cấp tỉnh: một số ý kiến đề nghị giao cho tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện nhằm hạn chế tác động từ phía UBND cấp huyện đến sự độc lập của thẩm phán.
Một số ý kiến không tán thành vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp về việc mở rộng thẩm quyền cho tòa cấp huyện; không đề cao được vai trò, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán tòa cấp huyện.
Về người đại diện trong tố tụng hành chính: Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng người bị kiện ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng mang tính hình thức, gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án.