(PL)- Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính 2010 cho thấy người dân đang còn chịu nhiều gian truân trong hành chính khiếu kiện. Đối với các vụ án hành chính, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, kiểm sát viên và thẩm phán cấp sơ thẩmchịu nhiều áp lực ở địa phương, không nêu được quan điểm áp dụng pháp luậtđúng đắn khi giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.
Theo báo cáo của TAND Tối cao, quy định hiện hành về thẩm quyền xét xử án hành chính của từng cấp tòa án chưa thực sự hợp lý. Chẳng hạn tòa cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện. Đa số khiếu kiện hành chính là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai, đây là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, số vụ án sơ thẩm bị hủy, sửa vẫn còn cao. Người dânthường thua kiện ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, chỉ thắng kiện ở giai đoạn xét xử phúc thẩm hoặc được xem xét lại qua thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này gây khó khăn cho người dân trongquá trình tiếp cận công lý.
Để khắc phục thực trạng này, dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã bổ sung quy định theo hướng giao cho tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm luôn cả các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện. TAND cấp cao sẽ xử phúc thẩm các vụ án này nếu có kháng cáo, kháng nghị.
Tôi đồng tình với đề xuất này, bởi nó đảm bảo thực hiện đúng đắn nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, nó cũng phù hợp với tình hình giải quyết khiếu kiện hiện nay. Chắc chắn rằng nếu đề xuất này được luật hóa, thực trạng người dân thường thua kiện ở cấp sơ thẩm dù chính quyền địa phương làm sai sẽ được hạn chế.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa