Sửa thuế thu nhập: Sao phải chờ đến 2014?

Sao không áp dụng sớm để dân nhờ?

Vừa rồi tôi mua bình gas loại 13 kg với giá 420.000 đồng. Sau đó khoảng một tuần, nhà bên cạnh tôi phải đổi với giá 470.000 đồng/bình. Tiếp nữa, giá xăng tăng 2.100 đồng/lít (xăng 92: 22.900 đồng/lít, xăng 95: 23.400 đồng/lít) khiến tôi và mọi người trong xóm sững sờ. Chị hàng xóm của tôi chua chát: “Không cần đi đâu xa, cứ ra chỗ bà bán đồ ăn là biết đời sống người dân lao động thế nào. Giá cả cái gì cũng tăng nên bà ấy không dám lấy nhiều hàng về bán vì sợ ế ẩm”. Ai cũng lo đến năm 2014 giá cả các mặt hàng sẽ tăng đến cỡ nào?

Đâu chỉ có vậy. Người dân các tỉnh đến TP.HCM làm ăn, sinh sống như chúng tôi còn gặp muôn vàn khó khăn khác nữa. Chẳng hạn phải kể ngay đến giá phòng trọ. Hầu như năm nào chủ nhà trọ cũng thông báo tăng giá 100.000 đồng/phòng/tháng; giá điện: 3.500 đồng/kW; giá nước: 15.000 đồng/m3. Mỗi tháng chúng tôi coi như “mất không” 2 triệu đồng. Hiện nay vợ chồng tôi còn con nhỏ cần gửi nhà trẻ. Tôi đã hỏi nhiều nơi, giá giữ trẻ dưới một tuổi dao động từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Đến năm 2014, mức giá này chắc chắn sẽ còn tăng cao.

Như vậy, liệu đến năm 2014, mức khởi điểm chịu thuế TNCN (6 triệu đồng/tháng) và giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc (2,4 triệu đồng/người/tháng) như đề xuất của Bộ Tài chính liệu có còn phù hợp? Tôi và các đồng nghiệp trong công ty đều có chung thắc mắc: Tại sao giá xăng nói tăng là tăng ngay được, còn những điều chỉnh có lợi cho người dân thì cứ phải chờ hết năm này đến năm khác?

LÊ THÀNH AN (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Nên tính theo mức lương tối thiểu

Theo tôi, nên tính thuế TNCN theo mức lương tối thiểu là hợp lý nhất để tránh sửa luật nhiều lần do giá cả luôn không ổn định. Mức khởi điểm tính thuế TNCN cũng sẽ được tính theo vùng, theo khu vực sản xuất trong nước chứ không phải cào bằng 6 triệu đồng cho mọi khu vực. Bởi cũng từng ấy thu nhập nhưng nếu sống ở TP.HCM thì phải khác với sống ở Tiền Giang, Cà Mau, Bình Phước…

Sửa thuế thu nhập: Sao phải chờ đến 2014? ảnh 1

Liệu đến năm 2014, mức khởi điểm chịu thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc có còn phù hợp khi giá sinh hoạt tăng cao? Ảnh: HTD

Thuế suất của một số nước

Mức thuế suất càng thấp càng có ý nghĩa trong việc thu hút nhân lực. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực thì mức thuế suất thuế TNCN ở bậc cao nhất của nước ta khá cao:

Singapore: 20%, Malaysia: 26%, Indonesia: 30%, Thái Lan: 37%, Việt Nam: 35% (theo phương án sửa đổi Luật Thuế TNCN thì bậc cao nhất chịu thuế suất 30%).

Như bạn tôi ở quê với thu nhập 6 triệu đồng/tháng thì bạn đủ chi tiêu cho cả nhà (ba người), có khi còn dư để bỏ ống heo. Thế nhưng khi sống ở TP.HCM, với từng ấy tiền thì tôi phải chi tiêu đủ thứ, nào là tiền ăn uống, thuê nhà, điện, nước, tiền gửi xe, tiền gửi con… Đơn cử, thịt heo ở quê có giá 70.000 đồng/kg thì ở TP.HCM tôi phải mua với giá 95.000 đồng/kg. Thịt bò ở quê giá 160.000 đồng/kg nhưng ở TP.HCM thì 195.000 đồng/kg. Bó rau ở quê giá 2.000 đồng thì ở TP.HCM tôi phải mua với giá 5.000 đồng… Chính vì thế, mặc dù đã dè xẻn nhưng tôi vẫn phải nhờ chồng phụ thêm.

NGUYỄN THỊ DIỄM THÚY (Phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Không thể bổ đồng mức giảm trừ gia cảnh

Tôi cũng cho rằng cách tính thuế TNCN hiện nay cứng nhắc, mỗi lần muốn sửa rất mất công, tốn nhiều thời gian. Tôi rất muốn công thức tính thuế phải căn cứ vào các yếu tố như lương tối thiểu, lạm phát... để khi có sự biến động thì tức khắc điều chỉnh hằng quý thậm chí hằng tháng.

Ngoài ra, tôi đề nghị Quốc hội phải xem xét ngay nội dung này: Tại sao lương tối thiểu được chia cụ thể theo năm vùng và ba khu vực cho phù hợp với quy luật của thị trường nhưng mức giảm trừ gia cảnh lại đồng đều giữa các địa phương? Do mức chi tiêu, sinh hoạt ở vùng sâu, vùng xa chắc chắn phải khác ở các đô thị nên thiết nghĩ mức giảm trừ gia cảnh cũng phải có sự khác nhau tương ứng.

nguyenthanhha@...

Họ đã nói

Giảm trừ 6 triệu đồng là quá thấp

Theo tôi, mức nâng giảm trừ gia cảnh là 6 triệu đồng/tháng là bất hợp lý. Vì nếu phương án này được thông qua, một cá nhân không có người phụ thuộc sẽ phải đóng thuế nếu có thu nhập trên 6 triệu/tháng. Trong khi trước đó (năm 2011), khi bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, giá cả trong nước tăng cao, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về miễn thuế TNCN trong năm tháng cuối năm (từ tháng 8 đến 12). Theo đó, những người có thu nhập đến 9 triệu đồng/tháng (từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh) không phải nộp thuế TNCN.

Đáng nói là phương án sửa đổi mức khởi điểm chịu thuế lại chỉ được áp dụng vào năm 2014. Như vậy, mức khởi điểm chịu thuế trên 6 triệu đồng trong tương lai quá thấp so với mức trên 9 triệu đồng từng được áp dụng trong quá khứ. Với mức lạm phát gia tăng như hiện nay, đến năm 2014 chắc chắn nhiều người dân ở các thành phố lớn gặp khó khăn với mức sống 6 triệu đồng/tháng, nói gì đến đóng thuế.

Khi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế thấp thì mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng sẽ thấp theo. Dự kiến mức giảm trừ cho người phụ thuộc được tăng lên thành 2,4 triệu đồng/tháng thay vì 1,6 triệu đồng/tháng như hiện nay. Thế nhưng tính theo tỉ lệ % trên mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế thì tỉ lệ này vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn là 40% (2,4 triệu đồng là 40% của 6 triệu đồng; 1,6 triệu đồng là 40% của 4 triệu đồng).

Chính Bộ Tài chính khi đề xuất mức giảm trừ mới cũng dùng chuẩn lương tối thiểu để so sánh. Vậy tại sao không tính mức giảm trừ theo lương tối thiểu mà cứ phải đưa ra con số cụ thể để nó mau lạc hậu và Quốc hội thì cứ chạy theo sửa luật mãi?

Một chuyên gia về thuế

Áp dụng ngay từ năm 2013

Luật Thuế TNCN mới áp dụng từ năm 2009 mà nay đã lạc hậu và phải sửa. Nếu sửa theo phương án như Bộ Tài chính đề xuất thì sau đó không bao lâu lại sẽ phải sửa tiếp. Bởi lẽ mức giảm trừ gia cảnh quá thấp so với mặt bằng trượt giá.

Theo tôi, việc buộc một người độc thân có thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng phải đóng thuế là hơi ép người nộp thuế. Muốn phát triển dân trí thì phải tăng mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ cho người phụ thuộc để người dân còn có tiền đầu tư vào việc học tập và nâng cao thể trọng của con em mình.

Hiện nay mức lương tối thiểu hầu như được điều chỉnh hằng năm. Với sự điều chỉnh này thì có nghĩa là ta đã chấp nhận trượt giá. Có trượt giá thì mức giảm trừ cũ sẽ không còn phù hợp nhưng thay đổi đạo luật thì lại rất khó. Thời điểm áp dụng luật mới cũng nên bắt đầu ngay từ 1-1-2013 chứ đừng đợi đến 2014. Ngành thuế giải thích vì “cần thời gian tuyên truyền về chính sách thuế mới” nhưng luật chỉ thay đổi về mặt con số và tinh thần thay đổi theo chiều hướng tốt hơn thì đâu cần phải có thời gian chuẩn bị tuyên truyền lâu đến vậy.

TS NGUYỄN THỊ THỦY, Trưởng bộ môn Luật tài chính - ngân hàng, khoa Luật thương mại ĐH Luật TP.HCM

ÁI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm