Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan tại TP.HCM báo cáo kiểm toán các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) ở khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm. Một trong những điểm đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính ở đây.
Có thiếu sót
Theo báo cáo của KTNN, tổng mức đầu tư (TMĐT) được phê duyệt của dự án bốn tuyến đường chính ở Thủ Thiêm là 12.182 tỉ đồng. Tuy vậy, do cơ chế “thanh toán đồng thời” nên không tính chi phí lãi vay và trượt giá trong hợp đồng BT và tổng vốn đầu tư được xác định là trên 8.265 tỉ đồng để cân đối thanh toán. Chi tiết hơn, chi phí xây dựng là 6.500 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng 10 cây cầu và xử lý nền đất yếu đã chiếm 4.014 tỉ đồng, còn chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉ vào 1.430 tỉ đồng.
KTNN cho rằng: Tại thời điểm lập TMĐT dự án, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã có nghị định và văn bản điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. UBND TP.HCM cũng có chỉ đạo và Sở Xây dựng TP.HCM cũng có báo cáo đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh chi phí nhân công, máy thi công (phần nhân công) khi lập mới dự toán công trình theo mức lương tối thiểu vùng. Tuy vậy, đến thời điểm phê duyệt TMĐT dự án, ngày 28-10-2013, UBND TP.HCM chưa có ý kiến về đề xuất của Sở Xây dựng. Vì vậy, UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt TMĐT dự án có khoản chi phí dự phòng chênh lệch mức lương để tránh điều chỉnh TMĐT nếu mức lương nhân công theo Nghị định 103/2012 được áp dụng chung trên địa bàn TP.HCM.
Việc sử dụng chi phí dự phòng đã được UBND TP.HCM quy định tại quyết định phê duyệt dự án và hợp đồng BT. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án thì khoản chi phí dự phòng đã không được sử dụng. Khoản chi phí đó trị giá 634,942 tỉ đồng sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án.
KTNN xác định TP.HCM không kịp thời cập nhật để tính lại chi phí dự phòng trượt giá làm tăng tổng mức đầu tư chưa đúng 350,91 tỉ đồng khi phê duyệt TMĐT là thiếu sót. Tuy vậy, khoản chi phí này đã được loại trừ nên không ảnh hưởng đến việc cân đối thanh toán khi ký hợp đồng BT và giá trị quyết toán dự án hoàn thành.
Các dự án BT ở Thủ Thiêm vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chi phí tăng cao do dùng tư vấn nước ngoài
Theo KTNN, dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong KĐT mới Thủ Thiêm được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 5872/QĐ-UBND ngày 28-10-2013. Cơ sở của quyết định này là Luật Xây dựng 2003, các nghị định có từ năm 2009 và thông tư của Bộ Xây dựng năm 2010.
Theo đó, TMĐT bốn tuyến đường trên là hơn 12.000 tỉ đồng bao gồm: Chi phí xây dựng 6.500 tỉ đồng, thiết bị 24,5 tỉ đồng, quản lý dự án 28,3 tỉ đồng, chi phí tư vấn 277,9 tỉ đồng, chi phí khác 117,3 tỉ đồng, dự phòng do thay đổi mức lương 634,9 tỉ đồng, dự phòng do phát sinh khối lượng 681,1 tỉ đồng, dự phòng do trượt giá 1.805,6 tỉ đồng, chi phí lãi vay 2.111,3 tỉ đồng.
Năm 2014, hợp đồng BT 883 giữa UBND TP.HCM và Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh được ký kết với tổng vốn đầu tư 8.265,175 tỉ đồng (không tính lãi vay và dự phòng trượt giá).
Chi tiết hợp đồng này theo KTNN gồm: Chi phí xây dựng 6.500 tỉ đồng trong TMĐT. Chi phí xây dựng bao gồm các hạng mục: San nền 186,6 tỉ đồng (2,91%), xử lý nền 2.116,3 tỉ đồng (32,95%), nền, mặt đường 552,68 tỉ đồng (8,61%), 10 cầu 2.008,7 tỉ đồng (31,28%), hạ tầng kỹ thuật 1.430,8 tỉ đồng (22,28%), kè bờ sông 126,8 tỉ đồng (1,98%).
KTNN đã so sánh thì thấy suất đầu tư đối với đường giao thông cấp I (tuyến Rl) và đường giao thông cấp II (tuyến R2, R3, R4) không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013, đồng thời chi phí tư vấn của dự án được UBND TP.HCM cho phép sử dụng đơn vị tư vấn nước ngoài để lập thiết kế và giám sát thi công tăng cao hơn 2,31 lần.
TP.HCM phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30-11
KTNN xác định việc phê duyệt dự án không làm thay đổi quy mô các hạng mục công trình và chi phí xây dựng giảm được 691,9 tỉ đồng so với chi phí xây dựng lập ở TMĐT. Cụ thể, hạng mục xử lý nền giảm hơn 256,6 tỉ đồng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giảm 356 tỉ đồng, hạng mục kè bờ sông giảm 52,4 tỉ đồng, thiết bị giảm 26,9 tỉ đồng.
KTNN cho rằng kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với dự án KĐT mới Thủ Thiêm hồi tháng 6-2019 có đề nghị giảm TMĐT trên 1.519 tỉ đồng nhưng việc sử dụng chi phí dự phòng đã được UBND TP.HCM quy định rõ tại quyết định phê duyệt dự án và hợp đồng BT ngày 28-10-2013 nên khoản này sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án hoàn thành.
KTNN cũng cho rằng dự án bốn tuyến đường chính có một số hạng mục chưa được phê duyệt, một số hạng mục phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế… nên phải giảm tổng cộng hơn 123 tỉ đồng. Đặc biệt, trong đó có việc phải tạo đường đi tạm vào khu biệt thự Lan Anh, làm hệ thống cấp nước sạch tạm cho các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn thi công đối với những mặt bằng bàn giao xen kẽ chưa hoàn thành... nên nhà đầu tư sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chấp thuận của các đơn vị tư vấn đã chủ động phê duyệt thực hiện. KTNN kiến nghị cần hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý.
KTNN cho hay: Thanh tra Chính phủ hồi tháng 6-2019 đã phát hiện TMĐT của các dự án BT tăng sai trên 1.734 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại phụ lục của kết luận thanh tra thì số liệu liên quan đến TMĐT kiến nghị xác định lại của các dự án BT là gần 2.303 tỉ đồng. Qua xem xét hồ sơ, KTNN nhận thấy: Dự án cầu Thủ Thiêm chỉ sai 3,4 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính do tính toán khối lượng chưa đúng gần 18,9 tỉ đồng dẫn đến tăng chi phí xử lý nền đất lên hơn 481 tỉ đồng. Một số khoản khác đã được Đại Quang Minh rà soát và giảm trừ trong báo cáo cho KTNN.
KTNN cũng xác nhận rằng một số chi phí phát sinh tăng do việc điều chỉnh thiết kế nhà đầu tư cam kết không tính vào chi phí của dự án. Nhà đầu tư đã chấp hành các quy định liên quan đến nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước, thuế GTGT, chấp hành các quy định chế độ tài chính, kế toán theo quy định.
KTNN đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN và thông báo kết quả kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán chi tiết; báo cáo kết quả thực hiện về KTNN khu vực IV trước ngày 30-11.
Chậm thanh toán sẽ phát sinh chi phí Theo KTNN, tiến độ thực hiện của hai dự án chậm so với tiến độ phê duyệt ban đầu và được cam kết trong hợp đồng BT. Đặc biệt dự án bốn tuyến đường chính theo kế hoạch cam kết tiến độ thì đã chậm bốn năm do vướng giải phóng mặt bằng. KTNN cho rằng việc chậm thanh toán (của UBND TP.HCM - PV) có thể dẫn đến phát sinh chi phí của dự án theo quy định tại hợp đồng BT. Từ đó, KTNN đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận 1, UBND quận 2, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban quản lý đầu tư xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao cho nhà đầu tư thi công hoàn thành các dự án BT. |