50 ngày chiến đấu thoát chết thần kỳ của bệnh nhân COVID-19 từng chạy ECMO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 Bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc (48 tuổi, phố Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sáng nay vô cùng phấn khởi. Đã hơn 50 ngày, nay anh mới được nhìn thấy không gian ngoài trời, hít thở không khí trong lành. Chuỗi ngày chiến đấu với COVID-19 của anh Ngọc đến sáng 17-9 cuối cùng cũng khép lại.

Những chuỗi ngày đến thở cũng khó

Hai tháng trước, phường Tân Mai ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên, nằm gần nhà anh Ngọc. Anh cũng được  chuyển đến khu cách ly tập trung tại huyện Thanh Trì, Hà Nội ngay sau đó.

Ngày thứ 12 ở trong khu cách ly anh Ngọc bị sốt cao, có lúc nhiệt độ lên đến 39-40 độ C. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, anh Ngọc được chuyển về Bệnh viện đa khoa Đống Đa.

“Sức khoẻ tôi chuyển biến xấu ngay sau đó và được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị. Buổi chiều đến BV thì đêm tôi lơ mơ, lúc mê lúc tỉnh, không biết gì. Lúc này tôi nghe thấy tiếng bác sĩ gọi: “Anh Ngọc ơi cố hít thật sâu, thở từ từ…”. Người tôi nóng hừng hực rất khó chịu, như ai bịt mũi không thể thở được nữa” - anh Ngọc nhớ lại.

Bệnh nhân Ngọc xuất viện sáng 17-9

“Tôi có cảm giác mình ở giữa lằn ranh sự sống và cái chết, chỉ cần không cố gắng là có  thể chết được ngay vì rất khó để thở. Trong đầu tôi nghĩ mình chết. Tôi lịm đi nhưng trong đầu mình vẫn biết. Được vài ngày sau tôi mở mắt lại thì biết mình đã tạm thoát cửa tử” - anh Ngọc nhớ lại.

Thời điểm mắc COVID-19, anh Ngọc không có bệnh nền nhưng vẫn chuyển biến xấu.

Theo ThS. BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong quá trình điều trị, bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp như lọc máu hấp thụ, thở ô-xy dòng cao. Tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh, tổn thương phổi nặng, suy hô hấp.

Trong đêm 8-8 là khi bệnh nhân gần như ngừng tim, chỉ số SpO2 dưới 55%, mạch có biểu hiện chậm, huyết áp không đo được, chúng tôi quyết định chạy ECMO coi như biện pháp cuối cùng với hy vọng cứu sống người bệnh.

Khoảng 3 ngày đầu, tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch, rối loạn đông máu chưa được kiểm soát. Dần dần, bệnh nhân có sự hồi phục, ô-xy trong máu lên, huyết áp ổn định hơn. Lúc này các bác sĩ mới thở phào vì quyết định can thiệp ECMO đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân.

Trở về nhà trong hạnh phúc

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân Ngọc là trường hợp mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO (tim phổi ngoài cơ thể) đầu tiên tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Bệnh nhân đã trải qua 50 ngày chiến đấu với “thần chết” đã được sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị.

Theo bác sĩ Hương ECMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và cũng là “cánh cửa” cuối cùng để có thể cứu sống được cho bệnh nhân. Rất may mắn bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chúc mừng nỗ lực của bệnh viện Thanh Nhàn và bệnh nhân Ngọc.

“Bệnh nhân được xuất viện là niềm vui không chỉ của bệnh nhận mà còn cả đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là ca bệnh mắc COVID-19 can thiệp EMO thành công ở bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội. Với bệnh nhân này nếu không can thiệp EMO bệnh nhân sẽ tử vong” - bác sĩ Hương nói.

Tính tới thời điểm ngày 17-9, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 604 trường hợp F0, trong đó có 140 nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Phần lớn là người có bệnh lý nền và cao tuổi.

Các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO thành công rất thấp. Trong cuộc chiến cứu lại mạng sống người bệnh thoát khỏi các biến chứng nặng của COVID-19 thì ECMO là biện pháp cuối cùng. Đây là ca bệnh đầu tiên của Bệnh viện Thanh Nhàn can thiệp ECMO thành công cứu sống được người bệnh trở về cuộc sống bình thường đây là thành quá lớn của đội ngũ ngành y.

Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm