Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam có 12 người nhiễm nCoV, ba người đã được chữa khỏi và xuất viện. Cùng với đó, 77 trường hợp có dấu hiệu sốt, ho đến từ vùng dịch đang được cách ly và 379 trường hợp dù sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly, theo dõi do có tiếp xúc gần với người nhiễm virus nCoV.
Theo các chuyên gia, cách ly là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mang tâm lý e ngại việc cách ly sẽ không đảm bảo được quá trình sinh hoạt nên có trường hợp đã được báo cáo không tuân thủ việc cách ly.
Vì sao cần phải cách ly?
Lý giải vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp Bộ Y tế, cho biết do tình hình dịch đang diễn biến phức tạp nên những người đi từ vùng dịch trở về phải tuân thủ khai báo y tế và tuân thủ nghiêm túc việc cách ly.
Cách ly tại nhà là hạn chế tiếp xúc với nhiều người và thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác vì đây là bệnh có cơ chế lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua giọt bắn khi hắt hơi.
Nếu chưa có những dấu hiệu cơ bản của bệnh như sốt, ho, khó thở... thì người nghi ngờ nhiễm virus nCoV được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Người phải thực hiện việc cách ly tại nhà khi có quyết định cách ly từ cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, người cách ly sẽ được sự hỗ trợ của trạm y tế xã, phường hoặc nhân viên y tế quận, huyện theo dõi tình hình sức khỏe, diễn biến bệnh.
Người cách ly tại nhà vẫn có thể sinh hoạt bình thường trong gia đình nhưng không được phép đi khỏi nơi cư trú (trừ trường hợp có chỉ định di chuyển y tế).
Khu vực cách ly tại nhà sẽ được tiêu trùng, khử độc và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thông báo đến người dân xung quanh để tránh hoang mang, lo sợ.
Vì bệnh này thường ủ bệnh trong thời gian 14 ngày nên người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng sớm hơn hoặc có thể lâu nhất là 14 ngày. Do vậy, trong thời gian cách ly tại nhà, nếu có các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở... thì lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cách ly y tế.
Cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế sắp xếp trang thiết bị để tiếp nhận những người về từ vùng dịch Corona. Ảnh: NGUYỄN DO
Cách ly tại bệnh viện ra sao?
Với các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở nghi ngờ nhiễm nCoV hoặc dương tính với nCoV sẽ được cách ly tại bệnh viện, cơ sở y tế được chỉ định với các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân đã nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV đang chờ kết quả xét nghiệm cũng cần tuân thủ quy trình về cách ly, điều trị và bảo hộ để tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế.
Tại khu cách ly, bác sĩ được trang bị những bộ đồ bảo hộ, khẩu trang khi tiến hành thăm khám cho các bệnh nhân. Các bệnh nhân được chăm sóc trong những phòng cách ly riêng biệt, đây là những phòng áp lực âm để đảm bảo sự chăm sóc y tế tốt nhất.
Được biết trong các phòng cách ly để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus nCoV đều có nhà vệ sinh, ti vi, tủ lạnh, tất cả đồ dùng cơ bản đảm bảo bệnh nhân có thể sinh hoạt trong căn phòng này. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng điện thoại. Nhân viên y tế sẽ phục vụ ăn uống cho bệnh nhân theo giờ giấc quy định.
Với phòng cách ly như vậy, ngoài những bác sĩ được trang bị đồ bảo hộ cùng các nhân viên y tế, không ai được phép ra vào.
Giống cách ly tại nhà, các công tác sát khuẩn, khử trùng được bệnh viện thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt, đảm bảo cao nhất cho nhu cầu khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân.
7 là số bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với tổng số 2.800 giường bệnh. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tiếp nhận, cách ly, giám sát sức khỏe 577 công dân Việt Nam trở về nước từ các nước có dịch. |
Cách ly tại khu vực tập trung
Theo kế hoạch tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch trở về của Bộ Quốc phòng, việc phân luồng người dân sẽ được thực hiện ở đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Tại cửa khẩu đường bộ, sân bay, bến cảng, bộ đội biên phòng sẽ phối hợp với lực lượng y tế địa phương, hải quan thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt đối với toàn bộ công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia công bố có dịch về nước.
Khi phát hiện trường hợp có sốt, cơ quan chức năng sẽ bàn giao cho ngành y tế địa phương để chuyển ngay công dân vào bệnh viện dân y gần nhất để cách ly, khám xác định bệnh và điều trị kịp thời. Những người không sốt thì đưa về khu cách ly (do quân đội cùng chính quyền địa phương bố trí trên địa bàn), theo dõi 14 ngày.
Việc vận chuyển công dân từ cửa khẩu về vị trí tập kết của quân đội được giao cho các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng. Các quân khu huy động tối đa xe ca quân sự chi viện cho các tỉnh biên giới, đơn vị vận tải; huy động xe ca dân sự tham gia vận chuyển. Trường hợp quá khó khăn, các đơn vị có thể thuê xe ca và sử dụng xe vận tải thùng quân sự nhưng phải đúng quy định về vận chuyển người.
Nếu công dân được tiếp nhận nhiều đợt thì mỗi đợt sẽ được bố trí theo dõi, cách ly tại vị trí riêng. Thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết và công tác chuyên môn cho phòng, chống dịch ở các tuyến, đơn vị sẽ được Bộ Quốc phòng đảm bảo.
Bên cạnh theo dõi sức khỏe, những người bị cách ly trong doanh trại quân đội sẽ được Bộ Quốc phòng đảm bảo các điều kiện ăn ở, sinh hoạt tối thiểu. Tiêu chuẩn tiền ăn đối với mỗi công dân trước mắt áp dụng bằng mức cơ bản bộ binh là 57.000 đồng mỗi người trong một ngày. Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải đảm bảo giường, chiếu, chăn, màn, gối... cho người dân.
TP.HCM: Cách ly tại khách sạn 18 người Đến nay TP.HCM đã phát hiện ba ca bệnh dương tính với nCoV. Trong đó, liên quan đến bệnh nhân THK (sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ) nhiễm nCoV do quá cảnh tại sân bay Vũ Hán, 18 người gồm nhân viên khách sạn và khách lưu trú tại khách sạn, nơi bệnh nhân này lưu trú trong thời gian ở Việt Nam đang được cách ly. Chánh Văn phòng UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng cho biết 18 người này đang được cách ly tại chỗ ngay tại khách sạn theo nguyên tắc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi người được bố trí một phòng riêng biệt, chỉ có một gia đình người nước ngoài được phép ở chung. Có một trường hợp Việt kiều lẽ ra về từ ngày 2-2 nhưng do phải tuân thủ việc cách ly nên đã đổi lại lịch trình vé máy bay. Mỗi ngày, lực lượng y tế sẽ ghi nhận toàn bộ tình trạng sức khỏe cũng như biểu hiện sức khỏe bất thường của nhóm người này. Hiện tại, sức khỏe của 18 người vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu bất thường. Khu vực khách sạn và xung quanh khách sạn cũng được phun thuốc khử trùng phòng dịch ngay từ đầu. Nhóm người cách ly luôn được đảm bảo chế độ sinh hoạt bình thường. Hằng ngày sẽ có lực lượng y tế chuyển thức ăn vào phòng cho khách (do người thân cung cấp hoặc khách đặt thức ăn từ bên ngoài). Khu vực giặt quần áo cho nhóm người này được bố trí riêng tại một khu vực trong khách sạn và được nhân viên y tế hỗ trợ giặt, hấp, khử khuẩn. Khánh Hòa: Cách ly 168 người Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành cách ly tại nhà 168 người tiếp xúc với hai vợ chồng du khách Trung Quốc nhiễm virus Corona (nCoV). TS-BS Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết kết quả điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế Khánh Hòa cho thấy tổng cộng 268 người đã tiếp xúc gần với vợ chồng du khách Trung Quốc. Trong đó có 100 du khách Trung Quốc lưu trú cùng các khách sạn đã về nước nhưng vẫn được lập danh sách để khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh. 168 người còn lại thực sự có nguy cơ cao và đang được theo dõi. Trong số này có đến 145 người tiếp xúc trực tiếp với hai du khách trên. Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa thông tin thêm, việc yêu cầu cách ly tại chỗ đối với 168 người này là căn cứ theo quy định của Bộ Y tế. “Nếu tập trung hết số người trên cách ly tại các cơ sở y tế thì sẽ không đủ chỗ, gây bất tiện đối với những người bị cách ly. Biện pháp chủ động, tích cực là để tự cách ly tại nhà” - ông Phùng nói. Hiện những người ở Khánh Hòa tiếp xúc với vợ chồng du khách Trung Quốc trên chưa có biểu hiện gì về bệnh lý. |